Thuế nào nuôi nổi!

TP - Cuối tuần vừa rồi, việc Bộ Tài chính công bố dự án Luật thuế tài sản, trong đó đánh thuế nhà ở, ô tô,… lấy mốc giá trị từ “700 triệu đến 1,5 tỷ đồng trở lên” (tính thuế phần vượt) khiến dư luận xôn xao, lo lắng. Nỗi lo chồng thêm gánh nặng thuế, phí lên cuộc sống mưu sinh vốn đã nhiều chật vật của đông đảo người dân.

Bởi khi người dân Việt Nam để được sở hữu một miếng đất, căn nhà, chiếc xe,… đã phải chịu bao nhiêu loại thuế, phí. Hàng đầu là thuế sử dụng đất, mà theo các chuyên gia bất động sản, trên thế giới nhiều nước ủng hộ thu thuế tài sản đối với nhà ở bởi vì họ không có khoản thu ngân sách đối với tiền sử dụng đất. Rồi các loại thuế VAT với VLXD, thi công; thuế thu nhập cá nhân, phí trước bạ,… Với xe ô tô thì thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, phí đăng kiểm, môi trường, ...

Cũng theo các chuyên gia, việc đánh thuế tài sản có những cái lợi, đó là nhằm “kìm cương” giá nhà đất, hóa giải nạn đầu cơ, góp phần đưa bất động sản về lại giá trị thực… Tuy nhiên bất cập cũng không ít. Ngay như việc chỉ đề xuất đánh thuế căn nhà đầu tiên, không tính thuế nhà thứ hai cũng là vấn đề.

Trong khi đó, một cái “lợi” mà Bộ Tài chính đong đếm ngay được, đó là nếu áp dụng thu thuế tài sản, mỗi năm ngân sách sẽ thu thêm được từ 22.700 đến 31.000 tỷ đồng!

Nhưng cũng lại chính Bộ Tài chính cách đây mới ba hôm, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã đưa ra con số: Trong năm 2017, ngành kiểm toán “phát hiện”…thừa biên chế tới 57.175 người trong khu vực nhà nước! Và, hiện còn 42.146 đơn vị sự nghiệp được ngân sách bảo đảm toàn bộ kinh phí, bằng 73,7% số lượng đơn vị sự nghiệp. Kinh phí cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm trên 50% tổng kinh phí hoạt động của các đơn vị (khoảng 140.000 tỷ đồng), tăng 2,2% so với năm 2016.

Cùng thời điểm là công bố khá “sốc” nữa của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR). Đó là trong quý I/2018, chi thường xuyên rất cao, chiếm tới 76% của tổng chi, trong khi đó đầu tư phát triển chỉ có 14%. Dẫn tới tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong thu chi ngân sách.

Rõ ràng, không thuế nào có thể nuôi nổi bộ máy khổng lồ với cách chi tiêu dường như không “phanh hãm” như bây giờ. Bộ máy mà càng kêu gọi giảm thì lại càng phình thêm!

Dân tình còn đang sốt vó với chủ trương tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ đề xuất mới đây cũng của Bộ Tài chính. Nếu được thông qua, mỗi lít xăng sẽ “cõng” tới 4.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Trong khi mỗi lít xăng tại Việt Nam đã phải chịu tới 7 loại thuế, phí, chiếm tới gần 50% giá tiền mà người tiêu dùng phải bỏ ra.

Nhằm vào dân để tăng thuế có vẻ “dễ” hơn là hạn chế chi tiêu phóng tay, tinh giản biên chế, tinh gọn đầu mối nặng nề đang chồng chất lên nhau trong bộ máy nhà nước?!

Nếu vẫn với bộ máy “cắp ô” khổng lồ kiểu này, thì thuế phí nào mà nuôi nổi!

MỚI - NÓNG