Có lẽ ngoài giới thể thao, người dân Việt Nam ít quan tâm các sự kiện thể thao Olympic tầm cỡ châu lục, đơn giản vì ở đó, chúng ta đi thi đấu vẫn với “tinh thần cọ xát và học hỏi là chính”. Bởi ngay trong “vùng trũng thể thao” Đông Nam Á, thể thao Việt Nam cũng chưa thể đứng đầu thì nói gì đến tầm cao hơn.
Thành tích tốt nhất của Việt Nam tại các kỳ Asiad là chiếc huy chương vàng duy nhất của nữ võ sỹ trẻ Lê Bích Phương (Asiad 16) còn thứ hạng thì toàn ngoài 20, tức là xếp sau ít nhất là hơn 20 quốc gia châu Á.
Ở Asiad 16 tại Quảng Châu, (Trung Quốc), thể thao Việt Nam (xếp hạng 23) bị Thái Lan bỏ xa với 11 huy chương vàng, xếp thứ 9 toàn đoàn.
Vì thế, câu chuyện chúng ta bỏ ra 150 triệu USD để đăng cai Asiad, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn, người dân đang chật vật lo kiếm sống, là khó chấp nhận.
Nếu nói như thời đăng cai SEA Games 22 là sau khi kết thúc các sự kiện thể thao, chúng ta sẽ có một hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ tốt cho thi đấu, kích cầu mua sắm, du lịch thì thực tế cho thấy nhiều vấn đề không như ý định hay tuyên bố ban đầu.
Rõ ràng những sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực hay châu lục như đã diễn ra, không đủ sức hấp dẫn để lôi kéo khách Mỹ, khách Nhật, khách châu Âu, những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Dù ngốn 53 triệu USD tiền đầu tư xây dựng, mỗi năm tổ chức trên dưới 10 trận đấu và một số sự kiện ca nhạc, thậm chí phải cho thuê một số diện tích làm trường đại học dân lập, ít ra sân vận động Mỹ Đình cũng có lý do để ra đời với quy mô hoành tráng vì là sân “quốc gia”.
Nhưng những công trình như cung thi đấu điền kinh trong nhà (546 tỷ đồng) để thi đấu 1 lần phục vụ đại hội thể thao châu Á trong nhà (AIG 3) để rồi sau biến thành nơi làm dịch vụ trông giữ xe ô tô, địa điểm tổ chức ca nhạc, thời trang…, hay cung thi đấu thể thao dưới nước ở Mỹ Đình (Hà Nội), mỗi năm chỉ thi đấu 1 lần… thì khó nói hết sự lãng phí.
Như vậy thì không thể nói bỏ ra hơn 3.000 tỷ đồng để “có thêm hệ thống thi đấu phục vụ thể thao thành tích cao” nữa.
Và chắc chắn người dân sẽ không mong chờ một vị trí “có tiến bộ” nào đó trên bảng thành tích Asiad 2019 tại Việt Nam với huy chương vàng các môn đại loại như đá cầu chinh, Vovinam theo kiểu “cơ cấu”, “chế độ ưu tiên”. Hãy cứ vô địch Đông Nam Á đi đã rồi tính tiếp. Mà với kiểu thi đấu và tổ chức như hiện nay, e rằng đứng đầu Đông Nam Á cũng là mục tiêu khá xa.
Vậy thì bỏ ra 3.150 tỷ đồng thực không khéo lại mua về danh ảo.