“Vừa qua, chúng ta đã kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương, sau đó đến các chức danh chủ chốt của Nhà nước, điều này rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, bài sát hạch cuối cùng vẫn phải nằm ở thực tiễn công tác. Trên mỗi cương vị mới, các đồng chí ấy phát huy như thế nào, hiệu quả ra sao? Đó chính là bài sát hạch giá trị nhất. Tôi rất tin tưởng, nhưng thực tiễn vẫn phải là đáp án cuối cùng, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi với Tiền Phong.
Sứ mệnh cao cả
Đại hội XIII của Đảng đưa ra một tầm nhìn chiến lược, với ba mốc lịch sử quan trọng vào năm 2025, 2030 và 2045. Trước tiên, ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về ý nghĩa lịch sử của Đại hội XIII trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam?
Đại hội Đảng luôn là một sự kiện rất quan trọng đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đại hội chính là dịp đề ra đường lối phát triển đất nước trong tương lai. Riêng đối với Đại hội XIII của Đảng còn có ý nghĩa lớn lao hơn. Vì Đại hội còn phải tổng kết một quá trình đổi mới trong 35 năm qua, đồng thời đề ra đường lối phát triển đất nước trong bối cảnh mới, tình hình mới.
Như chúng ta biết, thế giới đang có nhiều chuyển động mau lẹ, phức tạp, khó dự đoán. Sau 35 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục đổi mới một cách đồng bộ, toàn diện và mạnh mẽ, tạo ra một động lực phát triển đất nước như thời điểm 1986, khi chúng ta khởi xướng đổi mới.
Có ý kiến cho rằng, Đại hội XIII mở ra một thời kỳ đổi mới lần thứ hai. Nói như vậy cũng phản ánh đúng một nhu cầu bức thiết, cần phải đổi mới từ chủ trương, chính sách đến cách thức, bước đi để phát triển đất nước. Bởi thế giới ngày nay cạnh tranh rất khốc liệt về điều kiện và cơ hội phát triển. Ta phát triển, các nước cũng phát triển. Mặc dù chúng ta đã rút ngắn được khoảng cách, nhưng khoảng cách giữa nước ta với các nước trên thế giới vẫn còn tương đối lớn, ít cũng 5 - 10 năm, nhiều thì 20 - 30 năm, thậm chí còn hơn nữa về trình độ phát triển.
Bởi vậy, Đại hội XIII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, mở ra một đường lối, chính sách phát triển đất nước nhanh, mạnh và bền vững, để chúng ta trở thành nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Những mục tiêu này hết sức to lớn, nặng nề. Nếu không có chủ trương đúng đắn và kịp thời thì những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược này rất khó đạt được trọn vẹn. Hiểu theo nghĩa đó, Đại hội XIII có sứ mệnh, tầm quan trọng cao cả, to lớn.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa sứ mệnh cao cả này, việc triển khai, đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống là nhân tố đặc biệt quan trọng và là động lực căn bản để hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thưa ông?
Quả đúng như vậy. Một trong những mục tiêu Văn kiện Đại hội XIII vạch ra là phải xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, vì sự phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân. Để làm được điều đó, ngay trong Văn kiện đã đưa ra hàng loạt tư duy, tầm nhìn, quan điểm, chủ trương mới. Vấn đề bây giờ là phải hành động, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả. Trong đó cũng có một số quan điểm, chủ trương cần phải cụ thể hoá một cách rõ nét hơn.
Ví dụ, Đại hội XIII có đề cập đến mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên cơ sở tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cũng lần đầu tiên, Đại hội nhấn mạnh tầm quan trọng trong xây dựng một nền công nghiệp hùng mạnh và một số ngành công nghiệp nền tảng. Tôi cho rằng, cần phải cụ thể hoá chủ trương này.
Những ngành nền tảng là ngành nào? Xây dựng một nền công nghiệp quốc gia thì phải hiểu như thế nào, khi chúng ta đã và đang hội nhập rất sâu rộng với thế giới và chuỗi sản xuất kinh doanh toàn cầu? Phân biệt như thế nào về một nền công nghiệp ở quốc gia và nền công nghiệp của quốc gia?
Nếu tính các cơ sở công nghiệp ở đất nước ta hiện nay, chúng ta cũng có nhiều. Nhưng phải thừa nhận đó là của các thành phần kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài đấy chứ? Còn nền công nghiệp của quốc gia thuần tuý, đương nhiên sẽ phải gian nan lắm mới xây dựng được như chúng ta mong muốn.
Chính vì vậy, cần phải cụ thể hoá để thống nhất nhận thức, thống nhất hành động.
Vì sự phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân
Vậy theo ông, những nhân tố, động lực nào quan trọng nhất, như một đòn bẩy giúp chúng ta đạt được các mục tiêu chiến lược đề ra?
Nhìn lại 35 năm đổi mới chúng ta đều thấy, vẫn từng ấy ruộng đất, vẫn từng đó nguồn lực, nhưng chỉ cần thay đổi cơ chế, chính sách, chúng ta giải phóng được rất nhiều nguồn lực, động lực để phát triển đất nước. Như vậy vấn đề nằm ở chính cơ chế, chính sách.
Vì thế chúng ta cần rà soát, xem những cơ chế, chính sách nào còn giá trị tạo động lực thì ta tiếp tục, cái nào không còn, nhất thiết phải được đổi mới, thay thế. Động lực này đến từ việc đáp ứng kịp thời, thoả đáng lợi ích của từng thành phần kinh tế và của mỗi người dân. Khi lợi ích chính đáng được đảm bảo một cách thoả đáng, tự nhiên sẽ có rất nhiều động lực to hơn, để đất nước phát triển, hùng cường.
“Cha ông ta từ năm 1930 đến nay đã đưa dân tộc ta đến đài vinh quang. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Thực sự chúng ta đã xứng đáng với xương máu của biết bao thế hệ cha anh đã từng hi sinh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Bây giờ, trách nhiệm của chúng ta là phải tiếp tục đi tới những đài vinh quang phía trước. Đây là cách tri ân tốt nhất đối với thế hệ cha anh, và chúng ta hoàn toàn có điều kiện, khả năng làm được điều đó”
PGS.TS Nguyễn Viết Thảo
Ngay trong Đại hội XIII, lần đầu tiên chúng ta đưa ra quan điểm, mọi chủ trương, chính sách phải vì sự phồn vinh, hạnh phúc, và vì lợi ích của nhân dân. Quan điểm này cực kỳ quan trọng. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cái gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Quan điểm của Bác luôn soi sáng chúng ta trên bước đường sắp tới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng, một khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì công tác cán bộ là khâu quyết định. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Ông có niềm tin vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo đã được kiện toàn?
Tôi hoàn toàn tin tưởng, vì đội ngũ cán bộ chiến lược này đã có quá trình trưởng thành rất phong phú, được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện rất bài bản, lại được lựa chọn rất công phu, khoa học, dân chủ, nghiêm túc. Vừa qua, chúng ta đã kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương, sau đó đến các chức danh chủ chốt của Nhà nước, điều này rất quan trọng và cần thiết.
Tuy nhiên, bài sát hạch cuối cùng vẫn phải nằm ở thực tiễn công tác. Trên mỗi cương vị mới, các đồng chí ấy phát huy như thế nào, hiệu quả ra sao? Đó chính là bài sát hạch giá trị nhất. Tôi rất tin tưởng, nhưng thực tiễn mới là đáp án cuối cùng.
Trân trọng cảm ơn ông!