Từ sáng đến đêm, người dân ở thành phố (TP) Thủ Đức chờ đến lượt được làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip.
Để đẩy nhanh việc đăng ký cấp đổi Căn cước công dân gắn chip, phục vụ người dân 34 phường trên địa bàn, Công an TP Thủ Đức đã tổ chức 5 điểm tiếp nhận hồ sơ làm việc từ sáng đến đêm.
Lúc 22h ngày 13/3, tại điểm tiếp nhận ở số 371 đường Đoàn Kết (phường Bình Thọ) vẫn đông người dân đang chờ làm thủ tục. Đây là ca làm việc thứ 3 trong ngày của cán bộ, chiến sĩ đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Đại diện đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội ở điểm này cho biết, việc phát số diễn ra từ 6h; mỗi ngày giải quyết khoảng 250 trường hợp. Với dân số hơn một triệu, Công an TP Thủ Đức xác định khối lượng công việc trong đợt cao điểm cấp căn cước là rất lớn. Nhân viên tổ công tác cấp căn cước ở nhiều điểm được tăng cường và thường làm quá ca đến hơn 1h hôm sau mới kết thúc công việc. Một số người khác ngồi chờ hàng giờ ngoài sân chờ đến lượt mình theo số thứ tự đã bốc. Họ mang theo cả nước uống, cà phê, đồ ăn... trong thời gian chờ đợi làm căn cước. Vợ chồng anh Nguyễn Công Thường (phường Linh Chiểu) ngồi ngoài ghế đá chờ làm thủ tục. "Tôi làm tài xế ngày nào cũng chở hàng, nay cuối tuần nên xin nghỉ để đi đổi căn cước. Sáng dậy sớm bốc phải số lớn nên tối mới đến lượt. Tôi chờ gần ba tiếng rồi mà vẫn chưa tới số mình, chắc phải đến giữa đêm quá", người đàn ông 38 tuổi cho biết.
Người dân cần mang theo sổ hộ khẩu và chứng minh thư cũ đi làm căn cước công dân gắn chip. Quy trình giải quyết thủ tục qua 5 bước: điền thông tin theo mẫu, lấy vân tay, chụp ảnh, kiểm tra thông tin để ký xác nhận, nộp lệ phí. Mỗi ca làm việc có 4-5 cán bộ, mỗi người đảm nhận một bước riêng biệt như chụp ảnh, lấy vân tay, kiểm tra thông tin để ký xác nhận... Những người già, khuyết tật, học sinh được ưu tiên nộp hồ sơ và giải quyết thủ tục. "Chứng minh nhân dân của tôi cũng cũ quá rồi. Hy vọng việc đổi sáng căn cước mới sẽ thuận tiện hơn, không phải đi làm lại nhiều giấy tờ", bà Trương Thị Hoa (88 tuổi) chia sẻ. Trung bình mất khoảng 15 phút để hoàn tất một hồ sơ đăng ký. Trong quá trình làm các thủ tục, một số người già dấu vân tay mờ nên phải lăn lại nhiều lần. Nhiều người dân khai thông tin không trùng khớp nên lực lượng công an phải chỉnh sửa, khiến thời gian giải quyết lâu hơn. Lúc 23h, vẫn còn nhiều người chờ đợi làm căn cước. Một phụ nữ mệt mỏi, ngủ thiếp trên ghế chờ. Việc làm căn cước vào ca tối được dự đoán là cao điểm trong ngày vì đây là khoảng thời gian nhiều người lao động mới tan ca, có thời gian để đến làm thủ tục. Lúc 23h30 ở điểm cấp căn cước công dân lưu động tại phường Hiệp Bình Chánh, vẫn còn hơn 20 người đang đợi làm thủ tục cấp đổi. Đây là ngày thứ ba, điểm lưu động này hoạt động. Trước đó, ca làm việc ngày đầu tiên của tổ kéo dài đến 1h ngày hôm sau. Dù đã khuya, bà Xuân cùng mọi người ở đây vẫn ráng chờ đến lượt mình. "Đến giờ này ai cũng thấm mệt nhưng các nhân viên tại đây vẫn hướng dẫn nhiệt tình, làm cả cuối tuần là vui rồi. Nghĩ đến căn cước công dân mới với nhiều tiện ích tôi cũng háo hức nên ráng chờ vậy", bà Xuân chia sẻ. Chip điện tử mã hóa các dữ liệu cá nhân (sinh trắc học) cơ bản của công dân (họ tên, quê quán...) và vân tay, hình ảnh, đặc điểm nhận dạng... Ngoài ra, sau này chip điện tử trên thẻ căn cước có thể cập nhập các thông tin cá nhân như bảo hiểm, ngân hàng, giấy phép lái xe...
Gần 2 tháng qua, công an toàn quốc thu nhận hồ sơ, cấp hơn 1,2 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân và đang đẩy nhanh tốc độ để dự kiến hoàn thành cấp thẻ cho 50 triệu người vào 1/7, theo yêu cầu của Bộ Công an.
Theo Theo VNEXPRESS