Thúc đẩy thu nợ BHXH với doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn

Thúc đẩy thu nợ BHXH với doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn
TP - Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản báo cáo chính phủ về tình hình nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) và đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi BHXH của người lao động (NLĐ) tại các doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn.

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, dù tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH hiện có giảm nhưng còn phổ biến. Đặc biệt, với các DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn còn nợ tiền đóng BHXH rất khó giải quyết, đảm bảo quyền lợi BHXH cho NLĐ, do tiền thanh lý tài sản chưa được xếp ưu tiên thanh toán nợ BHXH. Thực tế đó dẫn tới NLĐ không được ghi nhận thời gian đã tham gia BHXH nên quyền lợi bị ảnh hưởng.

Để giải quyết, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất  phương án giải quyết. Theo đó, sau khi ghi nhận thời gian tham gia BHXH của NLĐ tại các DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, tiền nợ BHXH sẽ được thanh toán khi thanh lý tài sản của DN. Nếu tiền thanh lý tài sản vẫn chưa đủ trả hết nợ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 4 phương án đề xuất: Số tiền nợ BHXH còn thiếu, ngân sách nhà nước đóng bù; Dùng Quỹ BHXH đóng bù; Nếu thu hồi được nợ sau thanh lý tài sản của DN mới xác nhận thời gian đã đóng BHXH cho NLĐ; Hoặc phần còn thiếu được đảm bảo bằng tiền lãi phạt chậm nộp của các DN nợ đóng BHXH.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam đề xuất thành lập Quỹ dự phòng bảo đảm tiền đóng BHXH cho NLĐ. Quỹ hình thành từ tiền lãi chậm đóng BHXH, ngân sách nhà nước hỗ trợ, các DN đóng góp và nguồn tài trợ. Tuy vậy, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, phương án này không phù hợp khi DN thêm đóng góp và phát sinh thêm bộ máy, biên chế.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, các phương án ngân sách đóng bù, trích Quỹ BHXH, không ghi nhận thời gian đóng BHXH cho NLĐ đều khó thực hiện, khi: Ngân sách nhà nước còn khó khăn; Không đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng của Luật BHXH 2014; Không đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Dù ý kiến các bộ ngành còn khác nhau, nhưng Bộ LĐ-TB&XH nghiêng về phương án dùng tiền lãi thu được từ các DN chậm đóng BHXH để cấp bù cho phần nợ BHXH của DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn còn nợ (sau khi đã dùng tiền thanh lý tài sản DN nhưng còn thuế). Theo Bộ LĐ-TB&XH, hết năm 2016, tổng số tiền nợ BHXH (gồm BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) là 7.795 tỷ đồng, năm 2015 là 9.920 tỷ đồng. Trong tổng số 9.920 tỷ đồng nợ BHXH tính đến hết năm 2015, có 220 tỷ đồng nợ của 3.713 DN đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn.

Tình trạng nợ BHXH còn lớn, theo cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, do tính tuân thủ pháp luật chưa cao, một số DN cố tình không đóng; Việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý nợ đóng BHXH chưa thường xuyên, kịp thời, để xảy ra nợ kéo dài; Thông tin để NLĐ tự giám sát chưa đầy đủ, nhiều DN gặp khó khăn…

MỚI - NÓNG