Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH: Phải 'túm kẻ có tóc' trước

Người lao động bị xâm phạm quyền lợi nghiêm trọng khi doanh nghiệp cố tình chây ỳ không nộp BHXH (Ảnh minh hoạ)
Người lao động bị xâm phạm quyền lợi nghiêm trọng khi doanh nghiệp cố tình chây ỳ không nộp BHXH (Ảnh minh hoạ)
TP - Đó là chỉ đạo của ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tới LĐLĐ các tỉnh, thành phố xung quanh việc triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trước tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động (NLĐ).

Nợ đọng BHXH gia tăng

Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN tính đến 31/10/2016 cho thấy, tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN là 197.596 tỷ đồng (đạt 77,9% kế hoạch giao). Tuy nhiên, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước đã lên tới 14.237 tỷ đồng, chiếm 6,5% kế hoạch thu, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, số nợ BHXH lớn kéo theo việc quyền lợi an sinh chính đáng của NLĐ bị xâm phạm (dù đã bị trích tiền lương đóng BHXH nhưng doanh nghiệp lại cố tình chiếm dụng không đóng cho cơ quan BHXH - PV).

Theo ông Liệu, nguyên nhân nợ BHXH, BHYT, BHTN tăng là do ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa cao; do doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh… Ngoài ra, nguyên nhân nữa là do công tác phối hợp với LĐLĐ để khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN ra tòa chưa hiệu quả. 

Vị lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng cho biết, trước thực trạng số nợ BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tăng, để tăng cường quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong giám sát thực thi pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, tại điểm d, khoản 1, Điều 14 Luật BHXH năm 2014 quy định: “Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn”. Đây được coi là một trong những công cụ đặc biệt hiệu quả nhằm bảo vệ quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ nếu công tác này được thực hiện tốt.

Trong thời gian qua, về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngay sau khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực (1/1/2016), đã tích cực chuẩn bị và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Tháng 6/2016, ban hành hướng dẫn Công đoàn các cấp tiến hành khởi kiện theo Luật Công đoàn, Luật BHXH năm 2014, Luật An toàn vệ sinh lao động. Tổ chức các lớp tập huấn về biện pháp tiến hành khởi kiện những đơn vị nợ đọng BHXH cho đội ngũ công đoàn các tỉnh. Tháng 9/2016, ký kết Chương trình phối hợp về việc thụ lý khởi kiện các vụ án về lao động nói chung, về BHXH nói riêng với Tòa án Nhân dân tối cao và ký kết Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN với BHXH Việt Nam. Phối hợp với BHXH Việt Nam chọn 15 tỉnh, thành phố có số lao động lớn, với các quan hệ lao động phức tạp để thí điểm triển khai công tác khởi kiện. Phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Đoàn giám sát liên ngành, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại Hà Nội, TPHCM và Bình Dương.

Đẩy mạnh khởi kiện

Ông Mai Đức Chính cho rằng, công đoàn cần phải tập trung khởi kiện các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ đọng BHXH kéo dài. “Chúng ta phải túm kẻ có tóc trước rồi túm kẻ trọc đầu sau. Phải chọn những doanh nghiệp nợ đọng có khả năng tài chính để việc thi hành án dễ dàng”, ông Chính nói.

Ông Chính yêu cầu, từ nay đến cuối năm, LĐLĐ các địa phương phải tập trung đẩy nhanh công tác khởi kiện các đơn vị nợ đọng BHXH. Theo ông Chính, dù bước đầu khó, nhưng phải quyết tâm làm. “Tinh thần là vướng đâu gỡ đó, cần thể hiện rõ vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo bảo vệ quyền lợi NLĐ”, ông Chính nói.

Vị lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho rằng, LĐLĐ các địa phương cần tăng cường phối hợp với BHXH các tỉnh, thành phố để thống nhất danh sách khởi kiện những đơn vị nợ BHXH trên tinh thần tập trung chọn những doanh nghiệp còn hoạt động, nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với số tiền lớn, có khả năng thi hành án.

Dự kiến từ nay đến hết năm 2016, tối thiểu phải tiến hành khởi kiện được 10 đơn vị có số nợ đọng BHXH lớn. Riêng đối với những đơn vị phá sản, sẽ báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ. Cùng đó là phải tiến hành nhanh chóng việc chuyển hồ sơ khởi kiện sang Tòa án các cấp. “Nếu hồ sơ nào Tòa án không thụ lý phải yêu cầu Tòa án có văn bản trả lời lý do cụ thể để Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp, làm việc với TAND Tối cao để tháo gỡ”, ông Chính nói.

Ngoài ra, ông Chính cũng yêu cầu đưa tiêu chí thực hiện công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH vào đánh giá, bình xét thi đua năm 2016 của tổ chức Công đoàn các cấp.

MỚI - NÓNG