Ứng dụng công nghệ làm nông nghiệp
Chiều ngày 11/12, hơn 300 đại biểu và 56 gương mặt thanh niên giành Giải thưởng Lương Định Của năm 2020 đã tham gia Diễn đàn “Chuyển đổi số trong nông nghiệp – Động lực từ thanh niên” do T.Ư Đoàn tổ chức.
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, làm rõ vai trò của thanh niên trong mục tiêu chuyển đồi số nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Khởi nghiệp, lập nghiệp trong đoàn viên thanh niên là động lực góp phần thành công trong chuyển đổi số.
Diễn đàn cũng là cơ hội để thanh niên nông thôn giao lưu, chia sẻ với các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp số, các gương thanh niên làm kinh tế giỏi. Các nội dung tập trung trao đổi xoay quanh nhận diện cơ hội từ chuyển đổi số nông nghiệp, giải pháp, thời cơ, thách thức và vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số nông nghiệp.
Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khuyên các bạn trẻ: “Đừng bao giờ ngồi trong bóng tối, mơ về một ngày thay đổi thế giới”. Ông Hoan cho rằng, sáng tạo trong khởi nghiệp, chuyển đổi số nông nghiệp là yếu tố không thể thiếu.
Nhận diện cơ hội và thách thức của kinh tế nông nghiệp Việt Nam trong chuyển đổi số, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch tập đoàn Nafoods, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, đây không chỉ câu chuyện dữ liệu số hoá, mà là việc ứng dụng khoa học công nghệ, phải đưa vào đó trí tuệ nhận tạo, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, …
Muốn ngành nông nghiệp chuyển đổi số thành công, theo ông Hùng, các ngành khác như công nghệ thông tin, sinh học, phân bón, … phải đồng hành, cùng phát triển. Và hơn hết, cần sự vào cuộc của các bạn trẻ, ứng dụng công nghệ làm nông nghiệp.
Xây dựng nông nghiệp sạch, bền vững và số hóa
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho rằng, đây là giai đoạn thích hợp để chuyển đổi số thành công, đặc biệt khi nông nghiệp là 1 trong 8 ngành được Chính phủ ưu tiên.
Ngay sau quyết định của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, các hiệp hội, ngành hàng đề ra lộ trình chuyển đổi số. Trong đó, ưu tiên một số lĩnh vực trồng trọt, thuỷ sản, chăn nuôi, …
Ông Toản nhìn nhận, cần phải coi chuyển đổi số là trách nhiệm chứ không phải khái niệm. Đó là trách nhiệm của người sản xuất, người tiêu dùng công nghệ và cả người tiêu dùng bình thường.
Lấy ví dụ từ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã thúc đẩy các hoạt động số hoá, ông Toản cho rằng, cần tăng nhận thức cho người dân, đưa sản phẩm, nông sản lên các sàn thương mại điện tử nhiều hơn. Từ đó, tạo thành thói quen, định hướng tiêu dùng, sản xuất, giúp các chủ thể trong chuỗi sản xuất, cung ứng gặp được nhau nhờ số hoá.
Khẳng định dành những hỗ trợ thuận lợi, quy trình, thủ tục, thời gian nhanh nhất với nhu cầu vay vốn của đoàn viên thanh niên cho khởi nghiệp nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Hải, Phó TGĐ Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) cho biết, các bạn trẻ có thể thông qua tổ chức đoàn cơ sở để tiếp cận tín dụng NHCSXH. “Định mức cho vay hiện tại có thể chưa thể hỗ trợ triệt để, đủ cho ứng dụng công nghệ cao, nhưng là bệ phóng để các bạn tiếp cận đến các ngân hàng thương mại khi vay vốn mức lớn hơn”, ông Hải thông tin.
Lấy câu chuyện kinh doanh của mình làm minh chứng, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ tới các bạn trẻ, đoàn viên thanh niên hoàn toàn có thể tự tin khởi nghiệp, kể cả từ con số 0 như cách ngày trước ông bắt đầu. “Các bạn thanh niên có thể tự gây dựng, kết nối tới những người làm nông nghiệp, hoặc liên doanh, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp”, ông Hùng gợi ý.