Thúc đẩy nông nghiệp bền vững bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các nhà khoa học của Đại học Griffith và Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phát triển một nền tảng số được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, cho phép định lượng khí thải nhà kính chính xác hơn và thúc đẩy ngành nông nghiệp các-bon, từ đó góp phần vào các thực hành nông nghiệp bền vững và mang lại cơ hội tạo nguồn thu mới từ tín chỉ các-bon. Dự án sẽ được triển khai tại Thanh Hoá.

Theo các chuyên gia, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải chịu áp lực lớn do dân số tăng nhanh và những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Những thách thức chính bao gồm các hình thái thời tiết khó lường, độ phì nhiêu của đất giảm và phát thải khí nhà kính tăng.

Thêm vào đó, nhiều nơi đang áp dụng các phương pháp nông nghiệp chưa hiệu quả và thiếu bền vững, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái môi trường. Việc thiếu tích hợp công nghệ tiên tiến, dữ liệu không đầy đủ để đưa ra quyết định và chi phí cao do quản lý dữ liệu theo kiểu thủ công cũng là những trở ngại lớn.

Để giải quyết các vấn đề trên, mới đây, Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Úc đã tài trợ dự án Quản lý các-bon chủ động ứng dụng trí tuệ nhân tạo và bản sao số tại Thanh Hoá, do các chuyên gia của Đại học Griffith (Úc) và Đại học Bách khoa Hà Nội cùng thực hiện.

Thúc đẩy nông nghiệp bền vững bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo ảnh 1

Dự án Quản lý các-bon chủ động ứng dụng trí tuệ nhân tạo và bản sao số tại Thanh Hoá sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh minh hoạ: Cảnh Kỳ.

Các chuyên gia kỳ vọng, dự án giải quyết những thách thức kể trên bằng cách đưa ra một nền tảng Bản sao số được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI), kết hợp với Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn theo thời gian thực và công nghệ quan sát trái đất để quản lý nông nghiệp các-bon chủ động tại tỉnh Thanh Hóa, tạo ra một mô hình ảo phản ánh môi trường nông nghiệp thực tế, cho phép giám sát và quản lý chính xác các hoạt động canh tác.

Bằng cách cung cấp dữ liệu theo thời gian thực về mức các-bon trong đất và các thông số quan trọng khác, nền tảng này giúp nông dân và các nhà hoạch định chính sách tối ưu hóa hoạt động canh tác các-bon, nâng cao khả năng lưu trữ các-bon và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Phương pháp này cũng nhằm cải thiện năng suất và tính bền vững tổng thể của trang trại, đồng thời tạo cơ hội thu nhập mới thông qua việc cung cấp các công cụ tính toán và xác minh tín chỉ các-bon.

Các chuyên gia kỳ vọng, sau dự án sẽ xây dựng một hệ thống toàn diện để định lượng và xác minh các bon, kết hợp đào tạo chuyên sâu về thiết bị và hệ thống bản sao số. Phản hồi thường xuyên từ người dùng sẽ giúp hệ thống được cải tiến liên tục, cho phép các bên liên quan sử dụng công nghệ này một cách hiệu quả.

Nền tảng này cũng được kì vọng là bước đệm quan trọng trong việc tối ưu hóa hoạt động nông nghiệp, nâng cao khả năng lưu trữ các-bon và tạo cơ hội thu nhập mới thông qua tín chỉ các-bon được xác minh nhờ công nghệ AI. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của Việt Nam về phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng thị trường các-bon vào năm 2028, qua đó góp phần thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

MỚI - NÓNG