Chia sẻ tại tọa đàm "Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam" do Báo Giao thông tổ chức hôm 24/5, các chuyên gia và doanh nghiệp vận tải nhận định rằng dịch vụ taxi điện đang là xu thế chung của ngành vận tải trên thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch HĐQT Công ty taxi Én Vàng, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ xe xăng sang xe điện đã và đang mang lại hai lợi ích. Trước tiên là hiệu quả đầu tư do doanh nghiệp nhờ chi phí thấp và vòng đời dài. Thứ hai là góp phần bảo vệ môi trường thông qua giảm phát thải khí CO2.
Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển xe taxi điện là hướng đi phù hợp với xu hướng chung của thế giới. |
Trong đó, ông Định nhấn mạnh vào yếu tố hiệu quả kinh doanh khi cho biết tổng chi phí vận hành của taxi điện ước tính giảm từ 20 - 30% so với xe xăng.
“Cá nhân tôi cũng sang Trung Quốc, Mỹ và nhìn thấy xe điện vận hành êm ái, hiệu quả thực sự. Chúng tôi tính đơn giản 1km vận tải xe xăng thấp nhất cần chi 1.200 - 1.600 đồng với giá xăng hiện tại. Còn xe điện chỉ tốn 400 - 600 đồng. Ngoài ra, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp dẫn đến tổng chi phí vận hành ước tính giảm từ 20 - 30% so với xe xăng. Chi phí thấp như vậy mang lại hiệu quả cho người đầu tư, người vận hành là lái xe và khách hàng cũng được hưởng lợi”, ông Định chia sẻ.
Cũng tại buổi tọa đàm, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Phan Thanh Uy cho biết các doanh nghiệp taxi điện không chỉ được lợi nhờ chi phí vận hành thấp mà còn có thể thu thêm lợi nhuận nhờ bán tín chỉ carbon.
Theo ông Uy, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thông qua kênh chính thống đã có kiến nghị về vấn đề này để doanh nghiệp vận tải có niềm tin hơn khi chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện.
Ông Phan Thanh Uy, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Ảnh: Báo Giao thông. |
“Riêng về mảng này, hiện thiếu rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách. Bởi sau này các doanh nghiệp vận tải đều có hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Văn bản quy định thế nào là hạn ngạch, ai là người cấp, ai kiểm định, cấp tín chỉ… thì chúng tôi đang có ý kiến.
Sau này khi có hạn ngạch, các đơn vị kinh doanh taxi, vận tải bằng xe xăng dầu vượt quá hạn ngạch thì phải bỏ tiền ra mua tín chỉ. Đơn vị nào 100% xe điện, chắc chắn theo hạn ngạch nhỏ hơn thì sẽ được tiền, nội bộ không hết hạn ngạch có thể bán ra ngoài.
Tiến đến thị trường trao đổi tín chỉ carbon, doanh nghiệp nào chuyển đổi taxi điện thì sau này sẽ được bù trừ, nhận tiền. Còn các doanh nghiệp chạy xăng dầu chắc chắn sẽ phải bỏ tiền ra mua. Nói ra để các đơn vị chuẩn bị đầu tư, chuyển đổi sang xe năng lượng sạch chắc chắn rằng sau này sẽ được hưởng lợi. Chúng tôi cũng đề nghị mọi việc đăng ký tín chỉ phải thật dễ dàng để giao dịch được”, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nói.
Theo dự thảo Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam”, lộ trình phát triển thị trường carbon ở Việt Nam theo ba giai đoạn. Từ năm 2025 sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Giai đoạn 2027 sẽ xây dựng quy định, hoạt động trao đổi quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế, triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
Giai đoạn 2028 tổ chức vận hành sàn giao dịch chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon trong khu vực và thế giới. Việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon góp phần cắt giảm lượng khí nhà kính theo hướng như cam kết khí hậu trước đây, đặc biệt là mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo thỏa thuận về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).