Lãi gửi đón hạ lãi vay
Trong mấy ngày vừa qua, một số NH lớn nhỏ điều chỉnh giảm lãi suất huy động (LSHĐ) các kỳ hạn.
Cụ thể, biểu LSHĐ mới của Vietcombank vào ngày 7/10 điều chỉnh, LSHĐ kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng chỉ còn 4,5%/năm, thay vì mức 4,8%/năm và 5%/năm trước đó. Kỳ hạn 3 tháng giảm xuống 5%/năm, từ mức 5,5%/năm cũ. Đáng lưu ý, từ ngày 1/10 tới nay Techcombank đã 3 lần điều chỉnh lãi suất.Lãi suất thấp nhất của NH này chỉ còn 5,24% và cao nhất ở mức 7,3%/năm.
Một số NH khác cũng liên tiếp điều chỉnh nhẹ lãi suất ở 1 số kỳ hạn ngắn như BIDV, VietinBank, ABBank, Eximbank cũng đã điều chỉnh giảm từ 0,2 - 0,3%/năm với các kỳ hạn dưới 12 tháng. Tổng giám đốc một NH cỡ vừa trong TP Hồ Chí Minh giải thích nguyên nhân các NH điều chỉnh giảm lãi suất chủ yếu dựa trên cung - cầu vốn. Do cho vay vẫn thấp nên nhu cầu huy động vốn không cao. Và giá lãi suất cũng như các loại giá cả các mặt hàng khác đều do cung - cầu quyết định. Lãnh đạo một NH khác cho biết lý do điều chỉnh lãi suất nhằm tiết kiệm chi phí vốn.
Cũng như mọi lần, các NH cho biết, việc hạ lãi suất huy động tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay. Theo báo cáo của NHNN đến 30/9, mặt bằng LSHĐ và cho vay bằng VND đã giảm 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013. Nhưng thực tế có nhiều ý kiến hoài nghi về việc các NH giảm lãi suất cho vay tương ứng với huy động. Về vấn đề này, vị lãnh đạo NH trên cho rằng, tùy vào cân đối tài sản – nợ có của NH để đưa ra mức lãi suất huy động cũng như cho vay. “Tất nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khách hàng DN tốt ngày càng căng thẳng như hiện nay chẳng có NH nào dại đưa ra lãi suất cao để “đuổi” khách hàng đi cả. “Nịnh” họ còn không xong. Chúng tôi phải cân đối nguồn vốn, không thể giảm lãi suất cho vay đại trà được mà chắc chắn có chọn lọc”, lãnh đạo này thẳng thắn nói.
Có mất khách gửi tiền
Đồng tình, Phó tổng giám đốc NHTM lớn trên địa bàn Hà Nội đặt vấn đề: cứ mỗi đợt giảm lãi suất lại được đặt câu hỏi giảm lãi suất huy động có lo mất khách, tiền chảy ra khỏi NH. Và quan điểm của tôi và có thể của nhiều NH khác là sẽ chẳng có NH nào khi đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất kể cả huy động và cho vay để “đuổi” khách hàng đi. Vì NH nào cũng có hội đồng đánh giá dòng tiền. Quyết định tăng hay giảm đều được Hội đồng này đánh giá một cách thận trọng trên cơ sở phân loại nghiên cứu từng dòng tiền nên không có chuyện cứ giảm lãi suất là NH lo mất khách. Còn vấn đề NH giảm lãi suất cho vay thêm bao nhiêu %, nhiều hay ít thì phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của các khách hàng.
Giới chuyên gia nhận định rằng, trong những ngày tới, danh sách NH giảm lãi suất huy động vẫn có thể tăng thêm mức giảm dao động từ 0,2 - 0,5%. Nhưng cũng không nên quá kỳ vọng về mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm. Vì các NH cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong gần 10 năm trở lại đây. Và đây không phải là lý do DN không vay vốn NH. Mà nguyên nhân sâu xa do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cầu tiêu dùng vẫn đang rất thấp.Tổng giám đốc NH quy mô nhỏ trong TP Hồ Chí Minh đưa quan điểm, về mặt kỹ thuật có thể cần nhưng thực tế không cần. Vì lãi suất thực tế thấp hơn trần quy định thì chả có lý do gì phải điều chỉnh. “Trước đây khi thị trường biến động ý chí lấn át hành động thì mới cần đóng khung trần. Nhưng nay mọi thứ đều được thị trường vận hành tương đối trơn tru thì nên để nó quyết định mọi thứ chứ đừng can thiệp bằng bàn tay hành chính làm méo mó thị trường”- vị này khẳng định.
Để tránh ngân hàng “đục nước béo cò” trong điều chỉnh hạ lãi suất huy động kéo doãng lãi biên, một chuyên gia NH cho rằng NHNN cân nhắc điều chỉnh nhẹ lãi suất huy động. Song theo báo cáo của NHNN đến 30/9, NHNN vẫn giữ trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6%/năm. Tuy nhiên, rất ít các NH áp dụng mức trần lãi suất trên cho thấy lãi suất đang được điều tiết theo tín hiệu thị trường.