Ông cũng được báo chí Anh mệnh danh “Thủ tướng tương lai”, nhưng không hiểu sao ông đã tìm mọi cách trốn tránh họ.
Theo tin đăng tải trên báo chí Anh, ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố chính thức với chiến thắng thuộc về phe Brexit (ủng hộ Anh ra khỏi EU), Boris Johnson không ra bản tuyên bố đặc biệt như mong đợi của cả nước Anh và cũng không tiếp xúc với giới báo chí. Ông ra khỏi nhà, không nói gì và ngồi lên xe.
Vừa thấy nhà chính khách mong đợi xuất hiện, các nhà báo và những thành viên tích cực nhất của cả hai phe tham gia cuộc trưng cầu dân ý đã lập tức chạy xô về phía ông, còn cảnh sát thì lao theo đám đông để đề phòng bất trắc. Thế nhưng, những tiếng hoan hô và những tiếng hét tuyệt vọng đều không thể giữ ông lại, dù ông được coi là ứng cử viên nặng ký nhất vào chức Thủ tướng Anh trong tương lai.
Có thể nói, nếu cuộc trưng cầu dân ý về Brexit đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của Thủ tướng đương nhiệm David Cameron thì đấy rất có thể lại là bước khởi đầu đầy triển vọng cho sự nghiệp chính trị của cựu Thị trưởng London.
Ngay từ trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, ông Boris Johnson đã được tiên đoán sẽ là ngưới sẽ kế nhiệm ông Cameron. Giờ đây, với việc phe Brexit thắng thế, khả năng này còn lớn hơn nữa.
Thêm vào đó, tối 22/6, một ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, ông Boris Johnson lại chính là một trong số 80 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ chủ trương Brexit đã ra tuyên bố kêu gọi ông Cameron ở lại chức Thủ tướng bất kể kết quả cuộc trưng cầu dân ý ra sao.