Thủ tướng trực tiếp gỡ khó cho dự án cao tốc Bắc - Nam tại Khánh Hoà

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý về nguyên tắc 4 kiến nghị của nhà đầu tư trong việc thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.

Ngày 5/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ và tỉnh Khánh Hoà trực tiếp kiểm tra dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Tại điểm thi công hầm Dốc Sạn (thuộc xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), Thủ tướng đã thăm hỏi, tặng quà đội ngũ cán bộ và công nhân đang làm việc xuyên Tết.

Thủ tướng trực tiếp gỡ khó cho dự án cao tốc Bắc - Nam tại Khánh Hoà ảnh 1

Công trình hầm đường bộ xuyên núi Dốc Sạn trên dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh L.H

Sau khi nghe nhà đầu tư báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thi công; hoan nghênh tinh thần của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa tạo điều kiện để nhà đầu tư đảm bảo về nguồn vật liệu, bàn giao mặt bằng còn lại cho đơn vị thi công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đồng ý về nguyên tắc 4 nội dung kiến nghị của nhà đầu tư gồm: Cho phép nâng cao dải phân cách giữa; đưa công nghệ mới vào thi công bê tông nhựa, thảm một lần 2 lớp thay vì thảm từng lớp như trước; nới lỏng các quy định về việc lựa chọn nhà thầu, cho phép thuê một phần máy móc thay vì hoàn toàn của nhà thầu và kéo dài thời gian thu phí nhưng không tăng tổng mức đầu tư.

Thủ tướng trực tiếp gỡ khó cho dự án cao tốc Bắc - Nam tại Khánh Hoà ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ 3 từ trái sang) trực tiếp giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư tại công trường thi công. Ảnh L.H

Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đến nay dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm đã được bàn giao 48,1/49,1 km mặt bằng, đạt 98,5%. Phần mặt bằng chưa được bàn giao còn lại 19/2.361 hộ dân, 3 mỏ đá và một số công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan đến đường điện. Các gói thầu xây lắp thực hiện đến nay khoảng 730/4.345 tỷ đồng (đạt gần 17%), đảm bảo so với tiến độ tổng thể của dự án.

Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49km, điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Giai đoạn 1, nền đường rộng 17m, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, do Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư. Thời gian xây dựng 2 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng. Tổng vốn mức đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động hơn 2.500 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

Thủ tướng trực tiếp gỡ khó cho dự án cao tốc Bắc - Nam tại Khánh Hoà ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên trái ảnh) yêu cầu lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thi công. Ảnh L.H

- Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ cũng đi kiểm tra dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nghe báo cáo tại phía bắc hầm Núi Vung Km123 của dự án. Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài gần 80km, đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP (vốn nhà nước khoảng 60%, vốn ngoài nhà nước khoảng 40%). Thủ tướng cũng đã giải quyết ngay các vướng mắc của nhà đầu tư tại công trường đang thi công.

Thủ tướng trực tiếp gỡ khó cho dự án cao tốc Bắc - Nam tại Khánh Hoà ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên công nhân thi công dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh L.H

Liên quan đến đề xuất của nhà đầu tư về việc được xây dựng trạm dừng nghỉ khi xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng đồng tình về chủ trương, với quan điểm ưu tiên cho nhà đầu tư. Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa quy định hiện hành để huy động tối đa các nguồn vốn từ bên ngoài, bởi nếu áp dụng theo luật hiện nay thì dự án này đã không thực hiện được hợp tác công tư, tức là bỏ lỡ gần 40% vốn của các nhà đầu tư.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.