Thủ tướng: Trích lập 560 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương trong 3 năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã trích lập được khoảng 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm (2024 – 2026). Cùng với đó, hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822 km.
Thủ tướng: Trích lập 560 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương trong 3 năm ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Như Ý

Kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi

Sáng 23/10, báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra.

Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Bội chi ngân sách Nhà nước và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo. Đồng thời đã trích lập được khoảng 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm tới (2024 – 2026).

Các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm. Đến nay đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822 km; phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành thêm 78 km.

Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kém hiệu quả. 9 tháng giải ngân vốn đầu tư công đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Thủ tướng: Trích lập 560 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương trong 3 năm ảnh 2

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Như Ý

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho biết, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục. Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra, trong khi ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Các cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, nhà ở, đầu tư công đang là điểm nghẽn; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Về nhiệm vụ những tháng còn lại năm 2023, Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng từ đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Cùng với đó, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu và ổn định thị trường, giá cả; nắm chắc tình hình, làm tốt công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, nhân dân, nhất là trong dịp Tết.

Thủ tướng: Trích lập 560 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương trong 3 năm ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Như Ý

Nhận định tình hình năm 2024 khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn, Thủ tướng cho biết sẽ đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Đồng thời đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km vào năm 2025. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia; phấn đấu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong năm 2024.

Ngoài ra sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thương mại, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng năng lượng. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đề ra năm 2024:

Tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%... Dự toán thu NSNN tăng khoảng 5%; bội chi NSNN dưới 4% GDP.

MỚI - NÓNG