Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc chuyến công tác tại Mỹ, lên đường thăm chính thức Brazil

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Rạng sáng ngày 22/9 (giờ New York, tức chiều 23/9 theo giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rời thành phố New York (Mỹ) kết thúc tốt đẹp chuyến công tác dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và hoạt động song phương tại Mỹ, lên đường thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Brazil theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva, từ ngày 23 đến ngày 26/9.

Đoàn đại biểu chính thức cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Brazil, gồm: Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Đại sứ Việt Nam tại Brazil Phạm Thị Kim Hoa.

Tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao tại Sân bay quốc tế John F. Kennedy (New York, Mỹ) có: Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Hoàng Giang và các cán bộ phái đoàn.

Quan hệ song phương Việt Nam - Brazil phát triển tốt đẹp thời gian qua. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/5/1989; thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện từ tháng 5/2007 nhân chuyến thăm chính thức Brazil của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

Về thương mại, Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và đứng thứ hai tại khu vực châu Mỹ. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều ghi nhận mức kỷ lục 6,78 tỷ USD. Trao đổi thương mại 6 tháng đầu năm 2023 đạt xấp xỉ 3,3 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Brazil là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép, giầy dép, thủy sản... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là quặng và khoáng sản khác, bông các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, đậu tương, ngô, gỗ và sản phẩm gỗ, nguyên phụ liệu dệt, may và da giầy...

Thị trường Brazil tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam do nước này có dân số 213 triệu người với GDP đứng thứ 11 thế giới và dung lượng nhập khẩu hàng hóa đạt trên 272 tỷ USD năm 2022. Hàng rào kỹ thuật vào Brazil không khắt khe bằng các thị trường như châu Âu, Úc, Mỹ. Hàng hóa nhập vào Brazil có thể lan tỏa, xâm nhập các thị trường lân cận như Colombia, Bolivia, Uruguay và Paraguay.

Brazil hiện có 6 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,83 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn và bán lẻ; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ. Việt Nam có 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh thương mại của Công ty TNHH Thương mại Tôn Nhất Hương.

Việt Nam và Brazil đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác về văn hoá; miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao; y tế, khoa học và công nghệ. Hai nước đang đàm phán Hiệp định khung về hợp tác kỹ thuật, Hiệp định hợp tác giáo dục, Hiệp định Hợp tác và Thuận lợi hóa đầu tư (ACFI)...

Trên phương diện đa phương, hai nước chia sẻ quan điểm chung về nhiều vấn đề quốc tế, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.

Chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả hơn nhất là trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, du lịch…

MỚI - NÓNG