Thủ tướng chủ trì kỷ niệm 46 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc

TPO - Tối 22/9 (giờ địa phương, sáng 23/9 theo giờ Hà Nội), tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York (Mỹ), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9 và 46 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc.

Việt Nam luôn gắn với các giá trị và các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc

Tham dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khoá 78 Dennis Francis; đại diện các tổ chức của LHQ, các nước thành viên LHQ, các tổ chức quốc tế; những người bạn thân thiết, gắn bó với Việt Nam và cán bộ Việt Nam đang công tác, sinh sống tại Mỹ.

Thủ tướng chủ trì kỷ niệm 46 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc ảnh 1

Thủ tướng và các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Nhật Bắc

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hơn 78 năm trước, LHQ được thành lập, phản ánh mục tiêu chung của nhân loại về một thế giới không còn chiến tranh, một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển. Cách đây 46 năm, Việt Nam đã gia nhập LHQ, tham gia chia sẻ, góp sức vào thực hiện những mục tiêu chung của LHQ, đúng như mong muốn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bức thư gửi tới Chủ tịch khóa đầu tiên của Đại hội đồng LHQ năm 1946.

“Lịch sử hình thành, đấu tranh và phát triển của Việt Nam luôn gắn với các giá trị và các nguyên tắc của LHQ, và là một phần trong dòng chảy chung của cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hành trình gần 8 thập kỷ lập quốc và gần 40 năm đổi mới đã chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam. Từ một nước tiếp nhận viện trợ, ngày hôm nay, Việt Nam có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Từ một quốc gia bị tàn phá bởi hàng thập kỷ chiến tranh, ngày hôm nay, Việt Nam đã có bước tiến dài trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ.

“Lịch sử hình thành, đấu tranh và phát triển của Việt Nam luôn gắn với các giá trị và các nguyên tắc của LHQ, và là một phần trong dòng chảy chung của cộng đồng quốc tế” - Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Việt Nam ngày nay là một trong 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất. Việt Nam sẵn sàng chào đón bạn bè quốc tế, kể những câu chuyện mới về một đất nước hòa bình, ổn định; về một dân tộc cần cù, siêng năng, năng động, sáng tạo, đầy khát vọng – những câu chuyện về một Việt Nam độc lập, tự chủ, là người bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng chủ trì kỷ niệm 46 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện, những bài học kinh nghiệm của mình để có đóng góp quan trọng, thiết thực hơn vào công việc chung của LHQ.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện, những bài học kinh nghiệm của mình để có đóng góp quan trọng, thiết thực hơn vào công việc chung của LHQ; từ năm 2014 Việt Nam đã cử các lực lượng đóng góp vào sứ mệnh chung của LHQ về gìn giữ hòa bình.

Để không phụ sự kỳ vọng, tình cảm của người dân, của bạn bè, cộng đồng quốc tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm, nỗ lực hơn nữa vì một đất nước ngày càng giàu mạnh, là nơi đoàn tụ, là niềm tự hào trong mỗi con người Việt Nam.

Việt Nam đổi thay, phát triển phi thường

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khoá 78, ông Dennis Francis chúc mừng kỷ niệm 78 năm Quốc khánh; cho rằng sau 78 giành độc lập, Việt Nam đã đổi thay, phát triển phi thường, từ một nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình và năng động với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ.

Thủ tướng chủ trì kỷ niệm 46 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc ảnh 3

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khoá 78, ông Dennis Francis nhấn mạnh: Việt Nam đã đổi thay, phát triển phi thường, từ một nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình và năng động với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ.

Từ khi gia nhập LHQ, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thực hiện đầy đủ, đề cao các giá trị của Hiến chương LHQ, là thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, Hội đồng Nhân quyền LHQ, tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan… Điều đó chứng tỏ cam kết của Việt Nam đối với mục tiêu chung của LHQ và có những đóng góp đầy ý nghĩa vào công việc chung của LHQ; mong muốn Việt Nam tiếp tục tham gia đóng góp nhiều hơn nữa cho các mục tiêu của LHQ; tái khẳng định ủng hộ tất cả thành viên, trong đó có Việt Nam trong việc thực hiện Hiến chương LHQ, các mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra một lộ trình hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh tương lai.

Đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam

Trước đó, chiều 22/9 (theo giờ địa phương), tại New York, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ các thành viên của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ.

Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam (thuộc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập với mục tiêu kết nối các chuyên gia khoa học – công nghệ Việt Nam hàng đầu trên thế giới với các nhu cầu thực tiễn trong nước nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Theo Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Hoàng Giang, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Mỹ được thành lập nhờ sự thúc đẩy ngay sau chuyến thăm làm việc tại Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5/2022.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết khi Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia thành lập mạng lưới trí thức, tài năng Việt Nam cách đây 5 năm, chỉ mới quy tụ được 100 nhân tài công nghệ. Đến nay, mạng lưới đã mở rộng tới 2.000 người ở 8 địa điểm khắp thế giới, trong đó có 2 mạng lưới tại Mỹ (bờ Đông và bờ Tây), gồm các nhân tài công nghệ, tài chính, luật, quản trị và các lĩnh vực quan trọng khác.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thống kê của World Bank cho thấy đến nay chỉ có 12 nước vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Để làm được điều này, Việt Nam phải tận dụng được các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam.

Bộ trưởng nhận định, hiện nay, thế giới đang trải qua giai đoạn điều chỉnh rất lớn, mang lại rất nhiều thách thức và cũng đi kèm rất nhiều cơ hội. Đây là lý do để thúc đẩy thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và thiết lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Phương châm là đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên (đuổi kịp ở một số lĩnh vực, tiến cùng ở một số lĩnh vực và vượt lên ở một số lĩnh vực).

"Người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước đều có điểm chung, đều là con Lạc cháu Hồng, mang trái tim Việt Nam, dòng máu Việt Nam, dù ở đâu cũng hướng về Việt Nam và trong bối cảnh hiện nay thì dù ở đâu cũng có thể giúp được đất nước" - Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tại cuộc làm việc, các thành viên của mạng lưới đã chia sẻ các kinh nghiệm, đề xuất các ý tưởng, chương trình và kế hoạch để mở rộng mạng lưới, huy động mạnh mẽ hơn nguồn lực từ mạng lưới, thắt chặt mối quan hệ của cộng đồng trí thức tại Mỹ với quê nhà Việt Nam, cũng như đưa ra các gợi ý chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, các ngành mới nổi.

Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng với các ý kiến tại cuộc gặp đều toát lên tinh thần tự lực, tự cường và trong tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Mỹ cũng khẳng định ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng”.

Theo Thủ tướng, người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước đều có điểm chung, đều là con Lạc cháu Hồng, mang trái tim Việt Nam, dòng máu Việt Nam, dù ở đâu cũng hướng về Việt Nam và trong bối cảnh hiện nay thì dù ở đâu cũng có thể giúp được đất nước.

Đánh giá cao việc thiết lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được nhiều người hưởng ứng, Thủ tướng cho rằng để mạng lưới lớn mạnh không ngừng, điều quan trọng là phải “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên, các bên tham gia. Đổi mới sáng tạo phải gắn với thực tiễn và phải mang lại hiệu quả cao hơn, cân đong đo đếm được. Đổi mới sáng tạo là xu thế toàn cầu, do đó phải phát huy đoàn kết quốc tế, đoàn kết trong nước để tạo ra sức mạnh.

Thủ tướng đề nghị các hoạt động đổi mới sáng tạo của mạng lưới cần tập trung thúc đẩy các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và lĩnh vực hạ tầng (gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số), lĩnh vực giáo dục – đào tạo; đổi mới sáng tạo không chỉ trong phát triển kinh tế - xã hội mà cả trong sự nghiệp phát triển văn hóa, bao gồm cả công nghiệp văn hóa.

Đổi mới sáng tạo phải gắn với thực tiễn và phải mang lại hiệu quả cao hơn, cân đong đo đếm được. Đổi mới sáng tạo là xu thế toàn cầu, do đó phải phát huy đoàn kết quốc tế, đoàn kết trong nước để tạo ra sức mạnh.

Tin liên quan