Ngày 19/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát động lễ động thổ dự án KCN Vsip 3 Bình Dương. Tại đây, Thủ tướng đánh giá cao việc ra đời khu công nghiệp chất lượng, giúp Bình Dương thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Khu công nghiệp quy mô hơn 1.000ha đóng trên địa bàn tại xã Hội Nghĩa (thị xã Tân Uyên) và xã Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên).
Tại Bình Dương, Vsip 1 được xây dựng tại thị xã (nay là thành phố) Thuận An, tỉnh Bình Dương năm 1996 với tổng diện tích 500 ha và hiện đã phủ kín 100%.
Vsip 1 được đánh giá là một khu công nghiệp kiểu mẫu của Việt Nam, thu hút 231 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa tỉnh Bình Dương.
Thủ tướng dự lễ động thổ khu công nghiệp Vsip 3 Bình Dương |
10 năm sau đó, Vsip 2 ra đời cũng ở Bình Dương với tổng diện tích 2.045 ha. Nhằm đáp ứng nhu cầu thuê đất ngày càng tăng của các nhà đầu tư, năm 2008 Vsip 2 mở rộng thêm 1.700 ha, bao gồm 1.000ha phát triển khu công nghiệp và 700ha phát triển khu đô thị và dịch vụ.
Đến nay, Vsip 2 đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, lấp đầy khoảng 99% diện tích, thu hút gần 340 dự án công nghiệp, tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD.
Thủ tướng đánh giá cao việc ra đời khu công nghiệp Vsip 3 nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế |
Từ nhu cầu thực tế và để thu hút đầu tư, Bình Dương quyết định triển khai dự án Vsip 3 với tổng diện tích 1.000 ha. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm, tổng mức đầu tư thực hiện 6.407 tỷ đồng.
Nằm bên đường vành đai số 4, thuận tiện kết nối với đường Mỹ Phước - Tân Vân, Vsip 3 có vị trí chiến lược thuận lợi kết nối các nhà đầu tư tương lai với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Vsip 3 ra đời Bình Dương kỳ vọng sớm trở thành một khu công nghiệp xanh công nghệ cao tọa lạc ngay trung tâm phát triển công nghiệp sôi động nhất Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ động thổ Khu công nghiệp 1.000 ha ở Bình Dương - Ảnh: TTXVN |
Hiện Bắc Tân Uyên, nơi được Bình Dương chọn để triển khai dự án Vsip 3, sở hữu nhiều lợi thế như rất ít gặp thiên tai về khí hậu, đất đai bằng phẳng, ít bị chia cắt, tạo thành vùng rộng lớn nên rất thuận lợi cho xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp - đô thị.
Huyện đã có hệ thống đường nhựa kết nối từ huyện về 10 xã và kết nối đến các huyện, thị, thành phố trong và ngoài tỉnh.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương tháng 2 ghi nhận giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 6,1%, kim ngạch xuất khẩu tăng 18,7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 8,1% so với cùng kỳ, xuất siêu 2 tháng đầu năm đạt 2 tỷ USD; Thu hút được hơn 7.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài thu hút được 47 triệu USD.
Bình Dương là tỉnh công nghiệp, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp, thu hút trên 52.000 doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước và khoảng 4.000 dự án đầu tư nước ngoài, hàng năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 45.000 lao động, thu nhập của người lao động bình quân 7,3 triệu đồng/người/tháng.