Thủ tướng Pakistan lật ngược kế hoạch loại bỏ ông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 3/4, Thủ tướng Pakistan Imran Khan lật ngược tình thế khi các đối thủ chính trị tìm cách lật đổ ông bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, quốc hội bị giải tán theo đề nghị của ông Khan để chuẩn bị cho một cuộc bầu cử mới.
Thủ tướng Pakistan lật ngược kế hoạch loại bỏ ông ảnh 1

Thủ tướng Pakistan Imran Khan. (Ảnh: AP)

Ông Khan đã dàn xếp việc ngăn chặn cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, sau đó thông báo trực tiếp trên truyền hình rằng một cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra.

Khi tình hình quốc hội trở nên hỗn loạn, các lãnh đạo đối lập giận dữ cáo buộc ông Khan phản quốc và tuyên bố sẽ yêu cầu toà án tối cao ra phán quyết yêu cầu tổ chức bỏ phiếu như kế hoạch. Nhưng đến buổi chiều cùng ngày, toà án không có hành động nào để đảo ngược việc hoãn bỏ phiếu và giải tán quốc hội.

Tính đến ngày 2/4, các lãnh đạo đối lập đã tập hợp đủ ủng hộ để có thể bãi nhiệm ông Khan. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo 69 tuổi từng là một ngôi sao cricket cho rằng nỗ lực loại bỏ ông là âm mưu mà Mỹ đứng phía sau.

Trong những tuần gần đây, khi vấp phải nhiều vấn đề chính trị, Thủ tướng Khan nhiều lần cáo buộc chính quyền Mỹ đứng sau âm mưu loại trừ ông, vì có một bức điện tín ngoại giao gợi ý rằng Washington sẽ vui hơn nếu Pakistan có lãnh đạo mới. Nhưng nội dung bức điện tín này chưa được công bố. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói “không có sự thật nào” trong cáo buộc này.

Những mâu thuẫn đó đẩy hệ thống chính trị của Pakistan vào hỗn loạn và gây thêm căng thẳng cho quan hệ vốn đã không suôn sẻ với Mỹ. Trong những năm gần đây, chính quyền của Thủ tướng Khan xích lại gần Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị.

Quân đội Pakistan đã khẳng định sẽ đứng ngoài cuộc khủng hoảng. Ngày 3/4, tướng Babar Iftikhar, phát ngôn viên của quân đội, nói với kênh truyền hình Hum News rằng quân đội “không liên quan đến những gì xảy ra hôm nay. Điều xảy ra hôm nay hoàn toàn là tiến trình chính trị”.

Quân đội Pakistan có lịch sử can thiệp vào chính trị và bầu cử, đã tiến hành nhiều cuộc đảo chính từ khi nhà nước thành lập vào năm 1947. Quan hệ giữa ông Khan với các lãnh đạo quân đội vẫn êm đẹp vì quân đội ủng hộ ông trong cuộc bầu cử năm 2018. Tuy nhiên, các lãnh đạo quân đội hiện nay cam kết trung lập, cho dù ông Khan phải chiến đấu để giữ ghế của mình.

Theo Washington Post
MỚI - NÓNG