Ðề xuất lập Ban Chỉ đạo Quốc gia chống suy thoái kinh tế
Báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tăng trưởng GDP của quý II chỉ đạt 0,36% là điều đáng quan tâm. Trong khi đó, dự báo 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Ông Dũng đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị. Thành lập ban này để thấy rõ quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.
Đồng tình với việc lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, điều này sẽ giúp cho các tỉnh định hướng phát triển kinh tế xã hội có hiệu quả hơn. Về giải pháp phát triển, ông Chung cho biết, thành phố sẽ chuẩn bị từ 10 đến 15 khu vực để bố trí tất cả các khu bán hàng để mời các tỉnh đưa doanh nghiệp có hàng hóa nông, lâm thủy, hải sản bán hàng. Toàn bộ chỗ bán hàng sẽ được miễn phí, nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt là tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản và rau củ, quả của các tỉnh, thành phố ở Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam như cỗ xe tam mã, gồm cấu phần quan trọng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Do đó, phải có biện pháp để cỗ xe tam mã kéo đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất, lấy đà cho sự phát triển của đất nước. Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu đội ngũ lãnh đạo phải có thái độ phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp và các loại hình kinh tế.
“Có không khí như vậy mới tạo điều kiện phát triển, còn chúng ta cứ quyền anh, quyền tôi, cứ gây khó khăn khó dễ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân thì không bao giờ tạo được động lực phát triển”, Thủ tướng nói. Ông cũng lưu ý các bộ, ngành chỉ đạo phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị; phát triển nhà ở xã hội, bất động sản, tạo điều kiện cho người dân làm nhà ở. “Đây không chỉ là nguồn giải quyết đời sống mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng”, Thủ tướng nói.
10 bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân dưới 5%
Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công cần giải ngân năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, song báo cáo tại hội nghị cho thấy, đến nay cả nước mới giải ngân được 33,1%. Trong đó còn 33 bộ, cơ quan Trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%; 17 bộ, cơ quan Trung ương đạt dưới 10%, thậm chí còn 10 bộ, cơ quan Trung ương có mức giải ngân dưới 5%.
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Theo ông, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Ông Dũng cũng đề nghị, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì rà soát tiến độ giải ngân của các dự án từ tháng 7/2020 để kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính bày tỏ lo ngại, nếu tháng 7 rà soát, rồi dự kiến đến tháng 9 mới điều chỉnh thì sẽ chậm. Theo ông cần điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công ngay từ tháng 7 để triển khai theo quy định. “Nếu để tháng 9 mới điều chỉnh, thực hiện thủ tục giải ngân thì nhanh lắm đến cuối năm chỉ có thể tạm ứng theo hợp đồng. Mà tạm ứng thì không có GDP vì chưa có khối lượng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Được coi là điểm sáng trong phát triển kinh tế trong năm 2020, Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng quy hoạch vùng để tạo thuận lợi trong liên kết. Cùng với đó, Chính phủ nên phân cấp cho các địa phương được chuyển đổi 10ha lúa sang xây dựng, không khống chế diện tích đất lúa đối với những địa phương có khả năng phát triển công nghiệp.
Bày tỏ sự “sốt ruột” trước tình trạng trên, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành địa phương “phải nóng ruột lên”; bí thư, chủ tịch các tỉnh phải xắn tay áo lên để giải phóng mặt bằng. Chính phủ sẽ coi giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2020. “Khi các đồng chí đề nghị dự án thì rất quyết liệt, nhưng gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thì các đồng chí giao cấp dưới, không quan tâm. Tôi xin nói thật chỗ ấy. Tôi biết tại sao nhiều địa phương giải ngân tốt, trong khi nhiều địa phương lại giải ngân rất chậm. Lần này phải có chế tài mạnh”, Thủ tướng nói và cảnh báo, nhiều nguồn vốn FDI sẽ không vào Việt Nam mà sang Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… nếu không có sự tạo điều kiện để phát triển hạ tầng và những điều kiện khác để thu hút.
Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công cần giải ngân năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, song báo cáo tại hội nghị cho thấy, đến nay cả nước mới giải ngân được 33,1%. Trong đó còn 33 bộ, cơ quan Trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%; 17 bộ, cơ quan Trung ương đạt dưới 10%, thậm chí còn 10 bộ, cơ quan Trung ương có mức giải ngân dưới 5%.