Mở đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những thành tựu quan trọng của ngành giáo dục trong quá trình Đổi mới 30 năm qua.
Thủ tướng cũng ghi nhận ngành giáo dục bước đầu đổi mới dạy học theo hướng mở, chú ý hơn đến phát triển năng lực, tư duy sáng tạo của học sinh. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua khắc phục những bất cập của năm trước, tạo thuận lợi cho thí sinh và gia đình.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, giáo dục phổ thông đã được khắc phục được nhiều hạn chế nhưng chưa căn bản. Giáo dục phổ thông chưa coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống; các vụ bạo lực học đường hay tội phạm vị thành niên đã gây lo ngại cho xã hội. Ngoài thiếu kỹ năng sống, nhìn chung học sinh Việt Nam còn yếu ngoại ngữ, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nhiều nội dung học không có giá trị thực tiễn.
Cũng theo Thủ tướng, giáo dục nghề nghiệp đại học chưa gắn nhu cầu xã hội, sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn, thất nghiệp.
Thủ tướng cho biết thêm, trong bất cứ cuộc họp Hội đồng nhân dân, Quốc hội nào cũng nêu ra hàng trăm ngàn sinh viên chưa có việc làm. Trong khi doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhất là lao động chuyên môn cao. Nhiều môn học ở đại học chưa gắn với đào tạo phù hợp với thực tiễn. Đào tạo sau đại học chất lượng đáng lo ngại. Bệnh thành tích, sính bằng cấp vẫn cứ diễn ra.
“Chúng ta có nhiều tiến sĩ thiếu công trình khoa học có giá trị với xã hội’- Thủ tướng tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận.
Sẽ miễn học phí cho học sinh phổ thông?
Phát biểu tại hội Nghị tổng kết năm học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tới đây, học phí phải được nghiên cứu theo đúng xu thế. Học phí đại học thì theo tinh thần như tự chủ các trường đại học, nên chăng tới đây miễn học phí phổ thông cơ sở?
“Thủ tướng rất quan tâm và tới đây chúng ta phải làm Đề án”- Phó Thủ tướng nói.
Hay câu chuyện dạy thêm, học thêm, Theo Phó Thủ tướng phụ thuộc nhiều yếu tố. Có thực tế là chúng ta không đủ trường lớp để các cháu học 2 buổi 1 ngày. Nếu cho các cháu học 2 buổi 1 ngày thì áp lực dạy thêm học thêm bớt đi. Ở các nước tiên tiến khác con cháu người ta có lớp học 2 buổi 1 ngày mà con cháu chúng ta chỉ học 1 buổi 1 ngày thì có thông minh mấy cũng không thể theo họ được.
Muốn thực hiện được điều này, theo Phó Thủ tướng cần có trường, có lớp và việc xã hội hóa trong việc đầu tư, tự chủ đại học tiến tới các trường tự chủ muốn tự chủ được thì phải có điều kiện căn bản.
“Thay vì cho thì phải có các gói ưu đãi để các trường vay dài hạn, có lãi suất thấp để đầu tư thì trường mới tự chủ được về mặt tài chính”- Phó Thủ tướng thông tin.
9 nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016 - 2017
1. Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc;
2. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp;
3. Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông;
4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo;
5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục;
6. Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học;
7. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo;
8. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo;
9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao
5 giải pháp cơ bản năm học 2016 - 2017:
1. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo;
2. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp;
3. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo;
4. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục;
5. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.
(chi tiết 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp trong năm học 2016-2017 tại đây)