Tại Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình – Tập đoàn Xuân Thành (Ninh Bình) về đầu tư 2 dự án: Nhà máy sản xuất Bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình; Nhà máy sản xuất thiết bị điện năng lượng mặt trời Xuân Thiện Hoà Bình. Cả hai dự án này được triển khai tại xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình với tổng nguồn vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các doanh nghiệp đã đến với tỉnh miền núi Hòa Bình và động viên khích lệ các nhà đầu tư tận dụng những tiềm năng sẵn có của tỉnh để thực hiện đầu tư có hiệu quả.
Hai dự án vừa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư do Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình – Tập đoàn Xuân Thành triển khai tại xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy là những dự án không phải di dân, tái định cư, sử dụng dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất thế giới thuộc nhóm các nước G7.
Dự án sản xuất bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình được thực hiện từ năm 2017 – 2022 (theo 2 giai đoạn), có tổng công suất 2,16 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó: Giai đoạn I thực hiện từ năm 2017-2019, có công suất 0,76 triệu tấn sản phẩm/năm; Giai đoạn II có công suất 1,4 triệu tấn sản phẩm/năm sẽ được thực hiện từ năm 2019-2022.
Sản phẩm bột nhẹ (công thức hóa học CaCO3) là sản phẩm sau vôi, được sản xuất theo công nghệ hiện đại, khép kín, tạo ra bột nhẹ có chất lượng cao. Toàn bộ lượng khí thải (CO2) phát sinh từ quá trình nung đá vôi sẽ được thu hồi quay trở lại, sục vào nước vôi trong tạo ra một chất kết tủa chính bột nhẹ, sản phẩm này chủ yếu xuất khẩu và một phần tiêu thụ trong nước để thay thế số lượng bột nhẹ phải nhập khẩu. Bột nhẹ được sử dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau như: giấy, nhựa, sơn, cao su, mỹ phẩm, dược phẩm và một số ngành khác.
Dự án sản xuất thiết bị điện năng lượng mặt trời Xuân Thiện có công suất 180MW/năm với tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng. Đây là dự án công nghiệp năng lượng sạch, sử dụng dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất thế giới được nhập từ châu Âu, phù hợp với chủ trương của Chính phủ.
Khi đi vào hoạt động, 2 dự án góp phần cải thiện đời sống kinh tế xã hội của huyện miền núi Lạc Thủy, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động và nộp ngân sách tỉnh Hòa Bình khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng/năm.