Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ trân trọng chào đón nhà đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại VBF.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại VBF.
TP - Phát biểu trước cộng đồng DN trong và ngoài nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại các kết quả kinh tế, xã hội năm 2017 mà Việt Nam đã đạt được. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề cập tới nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam với cộng đồng DN, như: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; Tầng lớp trung lưu tăng nhanh; Tỷ lệ người dùng internet, điện thoại di động chiếm 55% dân số…

Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chất lượng dịch vụ công hiện còn thấp, tệ quan liêu, hạ tầng còn hạn chế, đang thúc đẩy Chính phủ phải số hóa dịch vụ công. Cùng đó, phần lớn DN Việt hiện có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vậy làm sao để DN Việt Nam sớm lớn mạnh để có thể vươn ra biển lớn? - đó là câu hỏi trăn trở với lãnh đạo Chính phủ.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ quyết tâm giữ môi trường vĩ mô, chính trị, xã hội ổn định; đầu tư cho phát triển hạ tầng; đầu tư giáo dục và khoa học công nghệ. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy các cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách khu vực DN nhà nước, hệ thống tài chính ngân hàng, xử lý nợ xấu, kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công, hệ thống thuế… Ngoài ra, Chính phủ đang tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả; thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực quản trị nhà nước.

Theo Thủ tướng, Chính phủ trân trọng và chào đón các nhà đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam không hoan nghênh những hoạt động làm ăn không chân chính, lợi dụng quan hệ, các kẽ hở của pháp luật để trục lợi.  “Chính phủ kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các DN có hành vi gây ô nhiễm, phá vỡ tính bền vững của môi trường tự nhiên; sử dụng lao động bất hợp pháp; sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; các hành vi trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý của cộng đồng DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ KH&ĐT cùng các bộ ngành Việt Nam tiếp thu, tham khảo để hoàn chỉnh các quy định pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư…

Còn đối mặt không ít khó khăn

Phát biểu tại VBF diễn ra ngày 12/12, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, DN vẫn đối mặt không ít khó khăn, hiện có tới 60% DN kinh doanh không có lãi. Bên cạnh đó, năm 2017 có hơn 65.000 DN giải thể, phá sản hoặc dừng hoạt động.

Tại diễn đàn, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, Việt Nam cần cải cách mạnh thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN).

Theo thống kê của cơ quan này, với hàng hóa xuất nhập khẩu, hiện có khoảng 300 văn bản quy định về KTCN, thuộc quản lý của ít nhất 10 bộ (như Bộ Công Thương, Y tế, KH&CN, NN&PTNT, GTVT…).

Cùng với “rừng” thủ tục KTCN, việc thực hiện các thủ tục này cũng chủ yếu thủ công, phổ biến là yêu cầu công chứng, chứng thực giấy tờ. Đặc biệt, có những giấy tờ không thể công chứng, như chứng từ giao dịch thương mại qua điện tử, không có chữ ký, con dấu “sống”, như vận tải đơn, bảng kê chi tiết, hợp đồng… Thậm chí, có những quy định “phi thực tế”. VCCI dẫn chứng, một số tập đoàn công nghệ toàn cầu khi đưa sản phẩm mới sáng chế về Việt Nam trưng bày, hoặc làm mẫu, cũng bị yêu cầu phải xin giấy phép hợp chuẩn, hợp quy. Điển hình là trường hợp của Tập đoàn Intel, đưa chip mới phát minh về Việt Nam để sản xuất thử, chưa có tiêu chuẩn quốc tế hay nội địa gì, nhưng vẫn bị yêu cầu phải chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.