Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tiết kiệm chi tiêu để đầu tư cho nông thôn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao tặng các xã, huyện đạt chuẩn NTM. Ảnh: Vũ Sinh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao tặng các xã, huyện đạt chuẩn NTM. Ảnh: Vũ Sinh
TP - Để xây dựng thành công chương trình nông thôn mới (NTM), ngoài số vốn từ ngân sách, các địa phương phải cố gắng huy động mọi nguồn lực trong nhân dân. Đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) để có thể đạt mục tiêu 50% xã trên cả nước đạt chuẩn NTM vào năm 2020.

Phải có trái tim với nông dân nghèo

Ngày 8/12, Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình (2010-2015), phương hướng giai đoạn 2016-2020.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM: Sau 5 năm thực hiện, người dân từ chỗ trông chờ, ỷ lại nhà nước đã chuyển sang chủ động góp công, góp của để xây dựng NTM. Đến tháng 11/2015, cả nước có gần 1.300 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 14,5% tổng số xã cả nước). Cả nước có 11 huyện được công nhận huyện NTM và 8 huyện, thị xã chờ công nhận. Thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng 1,9 lần so với 2010).

Giai đoạn 2016-2020, Ban chỉ đạo NTM đặt mục tiêu 50% số xã trên cả nước; mỗi tỉnh thành có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM (không còn xã dưới 5 tiêu chí). Ngân sách nhà nước chi cho giai đoạn này dự kiến hơn 193.000 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, hiện 70% người dân sống ở nông thôn, chương trình xây dựng NTM đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. “Trong phong trào xây dựng NTM, nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao. Đa số chúng ta xuất thân từ nông dân, nên phải có trái tim, tình cảm dành cho nông dân nhất là nông dân nghèo. Từ đó tìm ra cách làm phù hợp để quyết tâm xây dựng thành công NTM”, Chủ tịch Quốc hội nói. Giai đoạn tới, theo Chủ tịch Quốc hội, Ban chỉ đạo Trung ương phải đưa ra các tiêu chí phấn đấu tiếp theo cho các xã đạt chuẩn NTM, đảm bảo phát triển
bền vững.

Nông thôn mới và đèn chùm tiền tỷ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, phải rà soát chính sách, tạo điều kiện về đất đai, thuế... để thu hút DN tham gia xây dựng NTM. Hiện, 50% lao động Việt Nam làm trong nông nghiệp, chỉ tạo ra 17% GDP, vì vậy phải đưa lao động nông thôn sang làm trong khu công nghiệp, dịch vụ bằng các chính sách dạy nghề. “Có nhiều ông chủ khách sạn cần nhiều lao động, nhưng phải tự đào tạo vì không có trường nghề nào đáp ứng nhu cầu. Trong khi trung tâm dạy nghề chỗ nào cũng có nhưng không thích hợp”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, trong xây dựng NTM cần tránh tình trạng quy hoạch không phù hợp, vẽ trên giấy cho đẹp nhưng không có ai sử dụng. Ban chỉ đạo cần kiểm soát để tránh tình trạng chạy theo thành tích, làm đường vừa xong đã hỏng, xây chợ không ai đến. Vận động người dân đóng góp xây dựng NTM nhưng không ép buộc, tránh xảy ra tình trạng gia đình khó khăn, con cái tàn tật vẫn bị ép đóng mức cao như vừa qua báo chí phản ánh.

“Trong lúc nông thôn còn khó khăn, chúng ta phải tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển NTM. Chi tiêu ngân sách tiết kiệm, hạn chế đi nước ngoài, tiếp khách, tiệc tùng lãng phí. Nhiều nơi toàn dùng rượu tây mà không biết rượu thật hay giả, uống nhiều vừa tốn kém tiền thuế của người dân vừa thêm bệnh. Có nơi tôi hỏi đèn chùm bao tiền thì họ bảo cả tỷ bạc, nghe sốt ruột quá. Số tiền đó mua được bao nhiêu xi măng làm đường cho nông thôn. Chúng ta tiết kiệm, chắt chiu tiền của để xây dựng cơ đồ, xây dựng đất nước”, Thủ tướng nói.

Bộ các tiêu chí xây dựng NTM cấp xã giai đoạn 2016 - 2020 gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; giao thông; thủy lợi; điện; chợ nông thôn; bưu điện; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn; tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; hình thức tổ chức sản xuất; tỷ lệ phổ cập giáo dục; tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ thôn bản chuẩn văn hóa; môi trường; hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; an ninh trật tự xã hội.

MỚI - NÓNG