Sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phu nhân cùng Thủ tướng Algeria Abdelmalek Sellal và đoàn đại biểu cấp cao hai nước đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm liệt sỹ, thăm Bảo tàng Cựu Chiến binh tại thủ đô Algiers.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam thăm Hội chợ triển lãm quốc tế Algeria, dự Đối thoại Doanh nghiệp Việt Nam-Algeria, và tiếp đại diện một số doanh nghiệp hàng đầu của Algeria. Theo chương trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ hội đàm với Thủ tướng Abdelmalek Sellal và chứng kiến lễ ký một số văn kiện hợp tác; hội kiến Tổng thống, gặp Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Algeria.
Algeria đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Phi, với kim ngạch xuất khẩu quý I/2015 đạt 68,6 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện chiếm một nửa, với hơn 35 triệu USD.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2014 đạt gần 250 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất siêu gần như 100%. PetroVietnam đang triển khai dự án thăm dò, khai thác dầu tại Algeria, dự kiến khai thác thương mại từ tháng 6. Khoảng 1.200 lao động xây dựng Việt Nam đang làm việc tại Algeria cho nhà thầu của các nước thứ ba, như Nhật Bản, Trung Quốc…
Cần chiến lược đúng đắn vào thị trường EEU
Trước đó, nhân dịp chào mừng lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU) tại Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 30/5 tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp gỡ gần 100 doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại các nước thành viên EEU.
Tại buổi gặp gỡ với chủ đề “Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc ký kết hiệp định là sự kiện có ý nghĩa chính trị, kinh tế rất quan trọng, mang lại lợi ích không chỉ cho Việt Nam mà còn cho các nước thành viên EEU. Thủ tướng nhận định, EEU là một thị trường lớn, mới mở cửa, có mức tăng trưởng khá và tương đối ổn định, đồng thời cũng là bạn hàng truyền thống của Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích với EEU sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường tiêu thụ với trên 170 triệu dân, quy mô kinh tế lớn với GDP 4.000 tỷ USD, có trình độ phát triển cao, có vai trò, vị thế cao trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, bên cạnh các lợi thế mà Hiệp định Thương mại tự do sẽ đem lại, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức như sức ép cạnh tranh từ các đối thủ, những yêu cầu cao về tiêu chuẩn nhập khẩu hàng Việt Nam. Thủ tướng nói rằng, các bộ, ngành của Việt Nam và các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội cũng như lường trước những khó khăn, thách thức khi triển khai hiệp định, có các chương trình hành động cụ thể để phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam có chính sách, chiến lược kinh doanh đúng đắn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tuân thủ các thủ tục pháp lý quốc tế để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trong các hợp đồng kinh doanh, đồng thời giữ gìn, quảng bá uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tích cực liên kết, gắn kết, hợp tác chặt chẽ trên cơ sở lợi ích của doanh nghiệp, của đất nước, đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường các nước EEU cũng như các thị trường khác...