Phát ngôn trên của ông Netanyahu được đưa ra trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein.
Cụ thể, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố ông sẽ là công dân Israel đầu tiên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ngay sau khi cơ quan y tế nước này bắt đầu đưa vắc-xin ra thị trường với số lượng lên đến hàng chục nghìn liều/ngày.
“Sau cuộc thảo luận mà chúng tôi tổ chức tại đây với lãnh đạo Bộ Y tế, tôi có thể thông báo rằng Israel sẵn sàng cung cấp 60.000 mũi vắc-xin/ngày cho người dân”, ông Netanyahu nói, đồng thời kêu gọi “mọi người dân Israel nên đi tiêm vắc-xin”.
“Tôi đã yêu cầu xây dựng kế hoạch cấp hộ chiếu xanh. Trong đó, những người đã tiêm vắc-xin có thể xuất trình thẻ hoặc mở ứng dụng trên thiết bị di động để được cho phép tham gia các sự kiện, vào các trung tâm thương mại, và tiếp nhận tất cả các loại hình dịch vụ khác.”
Thông báo của ông Netanyahu được đưa ra vài giờ sau khi lô vắc-xin đầu tiên của các công ty dược phẩm như Pfizer và BioNTech được chuyển đến Israel lúc sáng sớm thứ Tư.
Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên “bật đèn xanh” cho việc tiêm chủng vắc-xin Pfizer. Theo sau là Canada.
Nhưng mới đây, các quan chức y tế Anh đã đưa ra lời khuyên rằng những người có tiền sử dị ứng nặng không nên tiêm vắc-xin này để đề phòng biến chứng.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tỏ ra do dự trong việc phê duyệt vắc-xin Pfizer. Nhưng một quan chức FDA mới đây cho biết việc cấp phép vắc-xin có thể sẽ được tiến hành một tuần sau khi cơ quan này nhóm họp vào thứ Năm.
Tháng trước, Israel đã ký một thỏa thuận trị giá khoảng 237 triệu USD với “gã khổng lồ” dược phẩm để cung cấp cho quốc gia này 8 triệu liều vắc-xin.
Theo hợp đồng, Pfizer sẽ nhận được khoản thanh toán trước 35 triệu đô la, số tiền còn lại được thanh toán sau khi các liều thuốc được bàn giao.
Thề "chấm dứt bệnh dịch" bằng việc tiêm chủng, Thủ tướng Netanyahu kêu gọi người Israel tiếp tục "đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, giữ vệ sinh và hạn chế tụ tập”.
Với dân số chỉ khoảng 9 triệu người, Israel đã ghi nhận khoảng 350.000 ca mắc COVID-19 và gần 3.000 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào cuối năm ngoái.