Ô nhiễm do sử dụng công nghệ lạc hậu
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm…
Báo cáo của Bộ TN&MT cũng chỉ ra thực trạng một số dự án FDI vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường như Công ty Vedan, Miwon, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men…
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đang chịu rất nhiều sức ép về công tác bảo vệ môi trường, nhất là nguy cơ gây ô nhiễm từ các nhà máy xi măng, các cơ sở sản xuất theo công nghệ cũ của Trung Quốc. Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng phản ánh, hiện tượng một số nhà máy xả thải trộm khí thải vào môi trường như nhà máy nhiệt điện, xi măng nhưng rất khó kiểm soát. “Nhà máy phân bón DAP đã đi vào hoạt động 2 năm mà bãi xả thải tới 2,6 triệu tấn, vượt hơn so với thiết kế nhiều lần, rất mong Bộ Công Thương, Chính phủ quan tâm tháo gỡ”, ông Thành kiến nghị.
Ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cảnh báo thực trạng hết sức lo ngại là tình trạng ô nhiễm môi trường xuyên biên giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là nước sông Hồng từ biên giới phía Trung Quốc đổ về xuôi ngày càng ô nhiễm. Ông Phong đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ Lào Cai xây dựng các trạm quan trắc để bảo vệ khu vực vùng hạ du và Hà Nội. Cho rằng đây là một vấn đề hết sức lưu ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư Cao Đức Phát đều yêu cầu các cơ quan chức năng quan tâm đến việc quan trắc môi trường và quản lý nguồn nước sông Hồng, bảo vệ cho vùng hạ du.
Phân tích nguyên nhân tình trạng trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, phải khắc phục ngay tư tưởng chạy theo các lợi ích trước mắt về kinh tế mà hy sinh những lợi ích lâu dài về môi trường. Đồng thời kiên quyết nói không với những loại hình sản xuất, dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phùng Đức Tiến đánh giá, lâu nay Việt Nam mới chỉ chú trọng đến tăng trưởng chứ ít để ý đến môi trường. Vì thế, đôi khi tăng trưởng không đủ phục hồi môi trường. Đề cập đến sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, đó chính là “tối hậu thư” đặt ra cho các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường. “Nguyên nhân do tầm nhìn chiến lược, dài hạn của chúng ta còn hạn chế, khiến cho hệ lụy bây giờ mới bắt đầu bộc lộ rõ.”, ông Bình nói.
Ngư dân đánh bắt cá nhưng không có người mua. Ảnh: Minh Thùy.
Cán bộ còn lơ là trách nhiệm
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, rõ ràng là ý thức bảo vệ môi trường chưa tốt, bộ máy chưa theo kịp các vấn đề ngày càng phức tạp của công tác bảo vệ môi trường, cán bộ yếu về chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm các cơ quan chồng chéo. Nhiều cán bộ, công chức phụ trách lơ là trách nhiệm. “C49 (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường) của Bộ Công an thời gian qua chưa tập trung cho công việc phòng chống, đấu tranh với các hành vi vi phạm. Thanh tra Chính phủ và thanh tra các cấp chưa chú trọng thanh tra các vấn đề về môi trường”, Thủ tướng nói.
Đề cập vụ Formosa, Thủ tướng nhấn mạnh, tính chất rất nghiêm trọng vậy mà chỉ khi người dân nói, báo chí vào cuộc, cơ quan chức năng với vào làm. Như vậy cả hệ thống ở đâu? Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ TN&MT, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ cần có kế hoạch thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị gây ô nhiễm. Để xảy ra vi phạm người đứng đầu các cấp, ngành phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường ở địa phương mình.
“Chúng ta đã nói về tình trạng bắn chỉ thiên mà không ai chịu trách nhiệm thì lần này các đồng chí phải phát hiện ra, chỉ rõ ai chịu trách nhiệm vấn đề này trên địa bàn, dự án ai cấp giấy phép để môi trường xấu như vậy, chủ trương, biện pháp khắc phục làm sao. Chứ chúng ta cứ nói mãi mà không ai chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh tinh thần chủ động, không để “nóng đâu phủi đó”, chạy theo những vụ việc xảy ra rồi mới đi giải quyết.
Ổn định đời sống cho người dân bốn tỉnh miền Trung
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường. Ban Chỉ đạo gồm 19 thành viên do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm Trưởng ban.
Thành viên Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chủ động đề xuất các vấn đề liên quan đến xây dựng, thực hiện các giải pháp ổn định đời sống người dân; đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp ổn định đời sống theo chức năng, nhiệm vụ.
Thành Nam