Thủ tướng: Không lấy tài nguyên làm trọng tâm phát triển du lịch

TPO - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý trong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên (MTTN) diễn ra sáng 16/2, tại thành phố Huế: Chúng ta cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm. Hội nghị lần này do UBND tỉnh TT-Huế và Bộ VH-TT&DL phối hợp tổ chức.

Viên ngọc thô cần thợ giỏi mài dũa

Phát biểu trước hơn 500 đại biểu - bao gồm lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện 19 tỉnh, thành khu vực MTTN, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, du lịch - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khu vực MTTN là nơi hội tụ đa dạng các loại tài nguyên du lịch vốn có của Việt Nam. Tuy nhiên, để du lịch MTTN phát triển, khu vực này cần lấy tổng thể cụm ngành du lịch làm trọng tâm, thay vì chỉ chú trọng khai thác yếu tố tài nguyên sẵn có.

“Tính chất giàu tài nguyên di sản nơi đây cho thấy được hội tụ các linh khí của trời và đất, là vùng đất thiêng liêng, nơi giao hòa giữa tự nhiên và con người, đây là nền tảng quan trọng để chúng ta phát triển, đi đầu trong việc coi du lịch là nền kinh tế mũi nhọn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề.

Thủ tướng: Không lấy tài nguyên làm trọng tâm phát triển du lịch ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm

Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, tài nguyên du lịch khu vực MTTN nhìn chung vẫn như viên ngọc thô chưa được mài dũa, hoặc chưa tìm được người thợ gọt dũa xứng đáng. Đồng thời việc này, việc có nhiều tài nguyên du lịch đôi khi lại là cái bất lợi khiến chúng ta khó tìm được một bản sắc sự nhận diện thương hiệu lưỡng lự trong lựa chọn ưu tiên đầu tư trong điều kiện nguồn lực có giới hạn. Quá nhiều bãi biển đẹp, quá nhiều di sản văn hóa và nhiều tài nguyên đôi khi còn là cái bẫy dẫn đến sự quan tâm chưa đúng mức trong quản lý, trong phân bổ, trong khai thác, trong sử dụng, khiến tài nguyên dễ bị lãng phí, không hiệu quả.

Thủ tướng: Không lấy tài nguyên làm trọng tâm phát triển du lịch ảnh 2

Tiềm năng du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên rất phong phú, dồi dào nhưng vẫn như viên ngọc thô cần thợ giỏi gọt dũa

Trọng tâm phát triển du lịch là cụm ngành

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đi nhắc lại vấn đề phải lấy cụm ngành du lịch làm trọng tâm, phát triển cụm ngành du lịch đồng bộ, chứ không lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm. “Chúng ta cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm… Tôi mong các địa phương hiểu một cách đầy đủ khái niệm này để chúng ta phát triển bền vững”, Thủ tướng nêu yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: “Chúng ta biết, dẫu tài nguyên có vô tận như thế nào nếu không biết khai thác thì sẽ bị cạn kiệt, suy thoái. Trong khi, ý tưởng sáng tạo là vô tận, ý tưởng sáng tạo, đổi mới sáng tạo mới là quan trọng trong phát triển du lịch. Nhiều tài nguyên có thể khiến chúng ta tập trung vào khai thác tài nguyên mà thiếu chú trọng đầu tư yếu tố khác, đó là những yếu tố mang tính hỗ trợ nhưng không kém phần quan trọng để phát huy cao nhất các giá trị tài nguyên”.

Cùng với việc cần xác định trọng tâm, trọng điểm cho phát triển du lịch miền Trung, Thủ tướng yêu cầu các địa phương quyết liệt hơn trong việc xử lý các vấn nạn tiêu cực trong kinh doanh du lịch. “Tôi kiểm tra thấy có 3,7 triệu kết quả tin, bài về vấn nạn “chặt, chém” du khách. Ai cho phép điều đó? Những hiện tượng này xuất hiện khắp nơi, cái này là rất tai hại. Chúng ta phải lên tiếng. Phải xử lý nghiêm minh để giữ gìn hình ảnh, văn hóa Việt Nam. Tất nhiên đây là việc cá biệt nhưng rất nguy hiểm cần phải làm quyết liệt và xử lý nghiêm minh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu yêu cầu.

5 câu hỏi cho ngành du lịch

Tại hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 5 câu hỏi cho ngành du lịch: Đó là làm thế nào để du khách đến Việt Nam đông hơn? Làm thế nào để du khách ở lại lâu hơn? Làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn (thay vì không có gì để chi tiêu)? Làm thế nào để du khách kể lại câu chuyện du lịch tại Việt Nam với ấn tượng tốt đẹp (thay vì chê bai)? Làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất có thể (chứ không phải một đi không trở lại)?

Thủ tướng: Không lấy tài nguyên làm trọng tâm phát triển du lịch ảnh 3

Trao chủ trương đầu tư cho 15 dự án có tổng mức đầu tư trên 32 nghìn tỷ đồng cho các nhà đầu tư vào 7 tỉnh, thành, gồm TT-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận, Quảng Trị, Quảng Bình

Thủ tướng còn chỉ đạo ngành du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế, ngoại ngữ; cần đa dạng hóa, không ngừng đổi mới các sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạng tầng lịch, các điểm đến, tăng cường liên kết du lịch; cần chú trọng sản phẩm du lịch phải độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục…

Trong khuôn khổ hội nghị lần này, ban tổ chức trao chủ trương đầu tư cho 15 dự án của các nhà đầu tư vào 7 tỉnh, thành, gồm TT-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận, Quảng Trị, Quảng Bình, thuộc lĩnh vực du lịch - nghỉ dưỡng, với tổng vốn đầu tư hơn 32.000 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
TPO - Sự tham gia của 60 nam vương quốc tế cùng loạt hoa hậu, á hậu Việt tại giải chạy quốc tế góp phần kích cầu du lịch, quảng bá văn hóa, ẩm thực thành phố Vũng Tàu đến bạn bè quốc tế.