Phát biểu chỉ đạo hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên (PCTT) hôm nay (29/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam là một trong 5 nước chịu thiệt hại thiên tai lớn nhất trên thế giới. “Chúng ta nỗ lực phòng chống, nhưng thiệt hại vẫn rất lớn, tới 60.000 tỷ đồng, khoảng 1-1,5% GDP của Quốc gia”- Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, thiên tai đang không đi theo quy luật nào và nhiệm vụ của chúng ta là không người bị đói, màn trời chiếu đất... Tinh thần “4 tại chỗ” phải được thấm nhuần. Có nhiều tấm gương đáng quý về Bí thư, Chủ tịch tỉnh thức đêm hôm với anh em trong bão lũ, cũng như các lực lượng quân đội, công an, điện lực...
Nói về sự đùm bọc, hỗ trợ trợ nhau trong hoạn nạn, thiên tai, Thủ tướng cho rằng đó là truyền thống quý báu của dân tộc cần phát huy và cần tránh việc “đèn nhà ai nhà nấy tỏ, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi đâu”.
Theo Thủ tướng, thời gian tới, những vấn đề về cơ sở hạ tầng, dự báo, quan trắc về dự báo lũ ống, lũ quét cần phải tập trung, vì chúng ta đã trả giá quá đắt như những vụ sạt lở ở Sơn La, Hòa Bình, Quảng Nam...
Thủ tướng cũng lưu ý sự chủ quan của một số địa phương, như ở Nam Trung bộ vừa qua, nuôi tôm cả ngoài vùng quy hoạch khiến thiệt hại lớn. Tình trạng phá rừng đầu nguồn, hoạt động ven sông, khai thác cát, sỏi quá mức cũng tác động rất lớn... “Có nhiều tỉnh vẫn tiếp tục khai thác cát trái phép trên sông, tới đây là sẽ giao cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra”- Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, việc phòng, chống, tránh và thích ứng với thiên tai, phải dựa trên một tinh thần “thuận thiên” để chỉ đạo và hướng đến xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai.
Thủ tướng cho rằng, phòng chống thiên tai phải là nhiệm toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội, trong đó huy động nguồn lực xã hội hóa, tư nhân, chứ không chỉ dựa vào nguồn dự phòng của nhà nước.
Các nội dung của PCTT phải đưa vào các kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các bộ, ngành, địa phương. Biến nguy cơ thành cơ hội, chứ không “bổn cũ chép lại”. “Vùng nào nuôi tôm, trồng lúa, vùng nào trồng cây ăn quả... phải được quy hoạch, làm rõ. Tái cơ cấu nông nghiệp phải được tính lại phù hợp thực sự, thích ứng với biến đổi khí hậu, với thị trường”- Thủ tướng nói.
Lưu ý về công tác quản lý, cán bộ, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, cần có tổ chức bộ máy tinh, gọn, có thể chế tốt hơn nữa để phục vụ PCTT ở các tỉnh; cán bộ giỏi, trách nhiệm cao vì người dân. Cùng đó, cần ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong phòng chống thiên tai. “Trước bão, anh alo cũng tốt, nhưng nếu xuống trực tiếp xuống chỉ đạo sẽ tốt hơn chỉ nói miệng”-Thủ tướng nói.
Lên kịch bản với siêu bão
Đối với miền núi, Thủ tướng lưu ý vấn đề lũ quét, sạt lở đất đá, đảm bảo an toàn hồ chứa, quy trình vận hành xả lũ...phải làm rõ, chứ nếu để hồ đập vỡ, thủy điện xả lũ gây chết người lại do quy trình.
Vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, phải bảo đảm an toàn các công trình phòng chống thiên tai, trong đó có hệ thống đê, “đừng để tình trạng ổ mối to như cái trống ở đê mà không biết, khi mưa rồi bục ra rồi chạy không kịp”. Phải bảo đảm an toàn cho toàn vùng, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.
Tại các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, do độ dốc lớn, cần lưu ý về mưa lũ, xả lũ, ứng phó với bão, công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng yêu cầu cần xác định nào cần nước ngọt, ngăn mặn, sạt lở... phải làm rõ để đầu tư, quy hoạch nông nghiệp cũng phải làm tốt hơn, phù hợp.
Cũng theo Thủ tướng, trên biển công tác tổ chức cũng phải chặt chẽ, “đừng để kêu mãi tàu không về”, lên các phương án di dân và đặc biệt là các kịch bản ứng phó với siêu bão... Trong khi đó, ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM cũng rà soát lại phương án tiêu thoát nước, chống ngập, không được lấp các hồ làm đô thị như một số nơi; cây xanh, cắt tỉa thế nào tránh để chết người.
Nhiều kỷ lục, thiệt hại 60.000 tỷ đồng vì thiên tai năm 2017 Theo Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo. Những năm qua, nhất là năm 2017 thiên tai bất thường, diễn ra suốt cả năm, trên tất cả các vùng miền, tại những nơi ít xảy ra thiên tai lớn (như bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa) và xảy ra nhiều kỷ lục. Theo đó, năm năm 2017 ghi nhận kỷ lục về số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới (16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới), 22 đợt thiên tai có cấp độ rủi ro từ cấp 3 trở lên; tổng lượng mưa đợt lên tới 19 tỷ m3 (bão số 12). Lần đầu tiên lưu lượng nước về Hồ Hòa Bình ngoài mùa lũ đạt 16.520 m3/s với tổng lượng trên 1,4triệu m3 nước (tháng 10) và cũng là lần đầu tiên hồ Hòa Bình vận hành 8 cửa xả đáy. Chưa kể nhiệt độ cao nhất trong mùa hè lên tới kỷ lục 42 độ C... Thiên tai khốc liệt năm qua đã làm 386 người chết, mất tích, thiệt hại kinh tế lên đến 60.000 tỷ đồng, tăng 300% so với trung bình nhiều năm. Một số tỉnh bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của địa phương như: Khánh Hòa hơn 14.700 nghìn tỷ đồng; Hòa Bình hơn 2.820 nghìn tỷ đồng; Yên Bái thiệt hại 1.600 nghìn tỷ đồng, Hà Tĩnh gần 7.500 tỷ đồng; Quảng Bình thiệt hại gần 8.000 tỷ đồng.