Thủ tướng hoan nghênh việc lập lại trật tự vỉa hè

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời tại cuộc họp báo ngày 1/3. Ảnh: V.K.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời tại cuộc họp báo ngày 1/3. Ảnh: V.K.
TP - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ ngày 1/3, Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá rất cao chỉ đạo của TPHCM về việc lập lại trật tự vỉa hè.

Không để “đầu voi đuôi chuột”

Chiều 1/3, tại cuộc họp báo thường kỳ, phóng viên nêu vấn đề, việc lãnh đạo quận 1, TPHCM ra quân quyết liệt giải tỏa vỉa hè, bên cạnh sự đồng tình ủng hộ của đại đa số dư luận thì cũng có những ý kiến băn khoăn về quy trình xử lý theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Về việc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sáng cùng ngày, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng cũng lên tiếng, hoan nghênh, đánh giá rất cao chỉ đạo của TPHCM về việc lập lại trật tự vỉa hè.

Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta nhận được nhiều tin vui như TPHCM ra quân tháo dỡ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, rất quyết liệt. Chúng ta cũng nhận được tin vui Hà Nội có kế hoạch thu hồi, tiêu hủy 2,5 triệu xe gắn máy cũ nát và dẹp bỏ lấn chiếm vỉa hè ở một số khu vực nội đô. Việc này không thể làm tất cả ngay, không làm “đầu voi đuôi chuột” nhưng thái độ lập lại trật tự đô thị ở các thành phố lớn là việc hết sức hoan nghênh trong tháng sau tết.

Theo Bộ trưởng Dũng, trong ngày, Chủ tịch UBND TPHCM cũng đã trực tiếp chủ trì đồng loạt ra quân về vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Công an cũng có văn bản yêu cầu công an các địa phương ra quân, không để tình trạng bán hàng lấn chiếm các trụ sở. Cũng theo ông Dũng, việc lấn chiếm vỉa hè để bán hàng rong, trông giữ xe, không cẩn thận có lợi ích nhóm trong đó. Vì vậy, việc giải tỏa là hết sức cần thiết. “Không phải bây giờ chúng ta mới làm mà đã làm từ lâu, nhưng luôn để tình trạng tái lấn chiếm”, Bộ trưởng Dũng nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định, thời gian qua các cấp chính quyền thường xuyên tuyên truyền, thường xuyên ra quân giải tỏa nhưng không thành, chứ không phải bây giờ mới làm. “Nếu vẫn cứ đưa ra việc lập biên bản hành chính, thông báo, đến ngày cưỡng chế, nói như thế thì rất đúng, nhưng để đáp ứng tình hình thực tế và mong muốn của nhân dân thì chúng ta cần ủng hộ quan điểm của TPHCM. Nếu không có biện pháp mạnh thì sẽ lại dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm”, Bộ trưởng Dũng nói.

Doanh nghiệp tặng xe sang: Ba bộ, ngành vào cuộc làm rõ

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến tình trạng một số địa phương nhận xe của doanh nghiệp tặng, gây băn khoăn trong dư luận, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua dư luận có phản ánh việc tỉnh Cà Mau nhận hai xe của doanh nghiệp tặng; thành phố Đà Nẵng cũng nhận một xe của doanh nghiệp tặng.

Sau khi báo chí phản ánh, cũng có nhiều quan điểm đánh giá khác nhau về việc tặng và nhận những chiếc xe trên. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ  làm rõ việc cho và nhận những chiếc xe trên để xử lý theo quy định.

“Trường hợp nếu có vi phạm, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng. Sau khi có kết quả của các cơ quan chức năng sẽ thông báo cho các cơ quan báo chí một cách minh bạch”, ông Dũng nói

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết thêm, hiện nay pháp luật đã có quy định rõ ràng về việc cho và nhận tặng tài sản là xe ô tô. Sau khi Thủ tướng có chỉ đạo, Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan có liên quan làm rõ vấn đề này.

Làm rõ hai nội dung liên quan đến Thứ trưởng Thoa

Về thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư liên quan đến khối tài sản của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa mà báo chí nêu, ông Mai Tiến Dũng cho biết, đây là một ý kiến rất quan trọng trong việc chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, lợi dụng chức vụ quyền hạn. Cũng theo ông Dũng, sau khi có ý kiến của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ khẩn trương thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư.

“Vấn đề liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nơi đồng chí Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa công tác trước đây, liên quan đến cổ phần hóa, thực hiện bổ nhiệm, quản lý tài chính, quản lý tài sản theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Công chức viên chức sẽ được các cơ quan tiến hành kiểm tra sớm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó sẽ báo cáo Tổng Bí thư”, ông Dũng cho hay.

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, cùng với Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT, Thanh tra Chính phủ, Ban Đổi mới DNNN rà soát toàn bộ quy định liên quan đến thực hiện tái cơ cấu DNNN, tránh kẽ hở, sơ hở trong pháp luật. “Hai nội dung này các cơ quan sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2. Tinh thần là làm rất nhanh, rất khẩn trương, trung thực, khách quan và chính xác nhất để làm rõ vấn đề báo chí nêu”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tại buổi họp báo, trao đổi với phóng viên về việc xác định 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà tại 9 địa phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, điều quan trọng nhất sau khi kiểm tra, bộ sẽ cùng với tỉnh xử lý những trường hợp bổ nhiệm, tuyển dụng không đúng. Với những cán bộ không đủ điều kiện bổ nhiệm hoặc quy trình bổ nhiệm, tuyển dụng chưa đảm bảo hoặc việc bổ nhiệm đúng nhưng người đó không phù hợp vị trí việc làm được phân, Bộ Nội vụ sẽ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh này xem xét lại. Trên cơ sở đó, địa phương phải thu hồi quyết định, tiến hành miễn nhiệm với những trường hợp bổ nhiệm không đúng, còn trường hợp tuyển dụng vào bộ máy mà không đúng vị trí thì phải bố trí lại công việc khác. 

MỚI - NÓNG