Thủ tướng đặt hàng Viện Hàn lâm KH&CN 5 nhiệm vụ

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, phương hướng năm 2017 của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, phương hướng năm 2017 của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
TPO - Sáng nay, 27/12, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự. Ngay tại Hội nghị, Thủ tướng đã đặt hàng Viện giải quyết 5 nhiệm vụ cấp bách.

Đứng đầu số lượng công bố quốc tế

Theo báo cáo tổng kết, năm 2016, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã công bố hơn 2.000 công trình khoa học, gần 1.000 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, trong đó 740 công trình đăng trên tạp chí thuộc hệ thống ISI, là đơn vị đứng đầu cả nước về số lượng công bố quốc tế.

Cũng trong năm nay, Viện thực hiện 1.070 hợp đồng KHCN với kinh phí hơn 233 tỷ đồng, trong đó gần 850 hợp đồng là đơn đặt hàng của doanh nghiệp, 9 công nghệ đã được chuyển giao vào sản xuất và đời sống thông qua các hợp đồng và công nghệ.

Một số thành tựu nổi bật khác của Viện những năm qua như 2 trung tâm về toán học và vật lý được tổ chức UNESCO công nhận và bảo trợ tại kỳ họp 38 Đại hội đồng UNESCO. Viện đã thành công trong việc làm chủ vệ tinh quan sát trái đất VNREDSAT-1, vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam, thành công trong nghiên cứu sản xuất tinh quặng sắt, sắt xốp và thép từ bùn đỏ trên quy mô công nghiệp. Viện cũng chế tạo và thử nghiệm thành công máy bay không người lái.

Hiện tại, Viện đang triển khai dự án xây dựng Trung tâm Vệ tinh quốc gia, dự án KHCN lớn nhất từ trước đến nay với tổng vốn đầu tư 600 triệu USD. Dự kiến đầu năm 2019, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh LOTUSAT-1, vệ tinh sử dụng công nghệ radar tiên tiến hiện nay. Năm 2021, Việt Nam sẽ tự chế tạo vệ tinh LOTUSAT-2.

Về các thành quả mà Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đạt dược, Thủ tướng đánh giá, số lượng công bố quốc tế tăng từ 15 đến 20% là sự tiến bộ lớn. Viện đã chủ trì nghiên cứu xác định nguyên nhân cá chết tại các tỉnh miền Trung, xác định cơ sở khoa học góp phần chứng minh các sai phạm của Formosa Hà Tĩnh. 

Nhiều nghiên cứu đã đóng góp giải quyết những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Các nhà khoa học đã đoàn kết, quyết tâm, một lòng theo Đảng, vì sự nghiệp cách mạng của đất nước trong giai đoạn khó khăn của đất nước. 

Không được để thua trên sân nhà

Thủ tướng cũng nêu tại Hội nghị, sứ mệnh lớn nhất của Viện trong giai đoạn hiện nay là góp phần để trí tuệ và nền khoa học Việt Nam không thua kém ngay trên sân nhà, để từ đó có thể hội nhập vào chuỗi giá trị tri thức toàn cầu một cách chủ động. 

Một số yêu cầu được Thủ tướng đặt ra với Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam là song song với nghiên cứu khoa học cơ bản, cần dành thời gian, nguồn lực thỏa đáng để nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học vào thực tiễn; phải tạo nên mối liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu với sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp, đồng thời giảm dần tình trạng các doanh nghiệp trong nước đang bỏ ra các chi phí lớn thuê các đơn vị tư vấn khoa học công nghệ ở nước ngoài mỗi khi cần cải tiến hoặc sản xuất thiết bị và phụ tùng. “Nghiên cứu là cần thiết, nhưng không gắn với thực tế, không đáp ứng yêu cầu của thực tế thì tự mình tự thua trên sân nhà”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng  yêu cầu viện phải nghiên cứu định tính, định lượng, tìm ra hướng đi, cơ chế, cách đầu tư để KHCN phát huy được vai trò đồng thời không ngừng nỗ lực khẳng định chất lượng đào tạo trong bối cảnh KHCN đang tác động nhanh chóng và mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội.

Thủ tướng cũng yêu cầu, cần tinh gọn bộ máy, áp dụng phương pháp quản lý phù hợp để thu hút và giữ chân nhân tài sáng tạo ra sản phẩm có ý tưởng, có ứng dụng cao phục vụ nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp góp phần CNH- HĐH.

Ngay tại Hội nghị, Thủ tướng đã đặt hàng với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam năm nhiệm vụ gồm nghiên cứu và đề xuất các giải pháp sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý nhằm nâng cao giá trị và giảm thiểu lãng phí cho tài nguyên quốc gia. 

Hai là, đề xuất các giải pháp KHCN trong việc theo dõi kiểm soát và xử lý môi trường cũng như khắc phục hậu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ba là nghiên cứu áp dụng KHCN trong việc sản xuất hàng hóa chú trọng yếu tố thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam, giảm giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa.

Thứ tư là áp dụng KHCN vào chế biến sau, bảo quản lương thực, thực phẩm với chuỗi giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam. Nâng cấp vị thế của nền nông nghiệp Việt Nam ở nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Cuối cùng, Thủ tướng đặt hàng Viện Nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành, lĩnh vực then chốt của quốc gia, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, các công nghệ mới, công nghệ nano...

MỚI - NÓNG