Thử tìm lời giải cho Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Pha chọi trâu ở Đồ Sơn 2016. Ảnh: Nam Phong.
Pha chọi trâu ở Đồ Sơn 2016. Ảnh: Nam Phong.
TP - Từ sự cố trâu chọi húc chết người ở lễ hội Đồ Sơn khiến dư luận một lần nữa lại dấy lên câu hỏi: Có nên bỏ, nên cấm tổ chức lễ hội này?

Tôi nhớ cách đây hơn chục năm, ông Trần Bạch Đằng, một nhà văn hóa đồng thời là nhà báo lão thành rất có uy tín có lần trò chuyện với tôi, ông nói sẽ viết một bài báo đề xuất cấm tổ chức lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên và lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn.

Những lý do mà ông nêu ra lúc ấy cũng là những lý do như mọi người hôm nay đang nói tới: là sự dã man, bạo lực, ngày càng nặng tính thương mại… Ông còn nói nhiều đến yếu tố nhân đạo của con người với con vật. Mà con vật đó lại là “ông trâu”.

Tôi chăm chú lắng nghe ông như tôi đã từng lắng nghe những quan điểm, ý kiến khác nhau của dư luận và các chuyên gia văn hóa phát biểu trong những lần thảo luận về vấn đề này. Sự khác nhau vốn đã xuất hiện từ khi xem xét cho phép thành phố Hải Phòng được khôi phục lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn.

Sau khi nghe ý kiến của nhà báo Trần Bạch Đằng, tôi đã nói với ông về những ý kiến khác xoay quanh chủ đề này giữa một bên đồng tình và một bên phản đối. Sau một lúc trầm ngâm, ông đã thay đổi ý kiến và sau đó bài báo mà ông dự định viết cấm hai lễ hội này đã không xuất hiện.

Sau gần 30 năm kể từ khi được khôi phục lễ hội, người dân Hải Phòng, người dân Đồ Sơn và các cơ quan quản lý văn hóa lại đang đối diện với câu hỏi của báo chí và dư luận cho hay không cho tổ chức chọi trâu? Các ý kiến tranh luận nhiều chiều lại lên tiếng. Sôi nổi, sắc sảo, tâm huyết, đầy trách nhiệm.

Người thì nặng lòng với một di sản văn hóa phi vật thể đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống văn hóa, với phong tục, tập quán và tâm linh của cả một vùng quê của đồng bằng sông Hồng. Người phản đối cũng đầy tâm tư và bức xúc khi phải chứng kiến những cảnh bạo lực thật thương tâm.

Trước đây là thương các “ông trâu” bị đưa ra thi “chọi” để rồi bất kể thắng thua đều bị giết mổ ngay trước cửa khán đài. Nay còn bức xúc, kinh hoàng và thương tâm hơn khi phải chứng kiến cú húc làm chết ngay chính chủ.

Để hay cấm? Cho hay không cho? Một việc tưởng không phải là to lớn nhưng trở nên nan giải, chí ít cũng rất lúng túng đối với các cơ quan quản lý. Cho dù lúc này lại đem ra hội thảo, lại lấy ý kiến người dân, chắc rằng vẫn… một bên đồng tình, một bên phản đối. Lại dẫn ra các ý kiến khác nhau như chúng ta đang nghe, đang đọc trên báo chí mấy hôm nay.

Những người cho chọi trâu là có yếu tố bạo lực, là không an toàn, ý kiến khác lại nói đấu bốc, người “chọi” người đến vỡ cả mặt mày và cũng có cả những cú đấm chết người có là bạo lực hay không? Còn sự cố, rủi ro thì đến như đua xe đạp cũng có sự cố chết người chứ không nói đua mô tô, đua xe công thức I. Trong các trò dân gian còn có biết bao là thứ “chọi”.

Chọi cá, chọi chim, chọi gà, chọi dê… Cá cảnh, chim cảnh quý, giá tiền còn lớn hơn một “ông” trâu nếu chết cũng tiếc, cũng xót thương loài vật. Cấm chọi trâu thì có cấm đồng bào Tây Nguyên không được tổ chức lễ hội đâm trâu được không?

Có ý kiến băn khoăn, không đồng tình về yếu tố thương mại hóa lễ hội. Người lại cho một lễ hội có nhiều người tham gia, đông người xem mà an toàn, bổ ích, lành mạnh, lại bán được vé, thu được tiền, không làm tốn ngân sách thì sao lại cấm? Thật ngổn ngang biết bao câu hỏi không dễ làm vừa ý tất cả mọi người.

Phải chăng lời giải hợp lý, khả thi trong lúc này là không cấm, nhưng phải rà, phải siết lại từng việc, từng khâu trong công tác tổ chức Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn.

Những gì mà báo chí, dư luận đã chỉ ra về những lỏng lẻo, yếu kém, phản cảm, không phù hợp, không được dư luận đồng tình thì phải nhanh chóng sửa chữa, khắc phục. Thiết nghĩ những việc này cũng đang được mổ xẻ khá là cụ thể.

Như những yếu tố không đảm bảo an toàn cho người xem, cho những người có trâu dự thi và cho ban tổ chức, đặc biệt là hàng rào sân bãi, phương án giải cứu khi tình huống xấu bất ngờ có thể xảy ra… Những hành vi giết mổ trâu rất phản cảm ngay trước sân bãi cũng phải chấn chỉnh lại. Việc ai đó lợi dụng lễ hội “té nước theo mưa” để đề đóm, cá độ… phải cấm, phải xử thật nghiêm theo pháp luật, v.v…

Một lễ hội dù là lâu đời, được nhiều người yêu chuộng, nhưng vẫn rất cần được hoàn thiện, chấn chỉnh. Mà không riêng chỉ với lễ hội này!

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.