Sự cố chọi trâu Đồ Sơn: Quá xem trọng phần 'chọi'

Tạm dừng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 để kiểm tra, bàn phương án khắc phục.
Tạm dừng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 để kiểm tra, bàn phương án khắc phục.
TP - Sau buổi làm việc tại Hải Phòng sáng 2/7 về sự cố trâu chọi húc chết người, bà Ninh Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) trao đổi với phóng viên Tiền Phong quanh việc tạm dừng Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017.

Bà có thể nói gì về sự cố đáng tiếc trâu chọi số 18 húc chết chủ trâu tại vòng loại Lễ hội chọi trâu 2017?

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn phục dựng 28 năm nay, năm 2013 được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Làm việc với UBND quận Đồ Sơn sáng 2/7, tôi nhận thấy họ tuân thủ các quy định, quy chế, văn bản ràng buộc pháp lý. Chúng tôi cũng đi thực địa kiểm tra công tác bảo vệ người dân, họ cũng có phương án đề phòng, huy động an ninh, y tế và phòng chống cháy nổ.

Tôi nghĩ do các năm trước an toàn nên BTC năm nay hơi chủ quan trong việc sắp xếp người đưa trâu vào sân. Khi được Bộ công nhận, di sản luôn có hai phần nghi thức và hội, tuy nhiên BTC chú trọng phần hội hơn vì muốn hút khách, tạo sản phẩm du lịch địa phương nên không chú ý nhiều tới tuyên truyền nghi thức.

Dù UBND thành phố Hải Phòng có báo cáo và yêu cầu tạm dừng Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017, nhưng địa phương vẫn tha thiết tổ chức. Bà nghĩ gì về điều này?

UBND thành phố Hải Phòng có công văn yêu cầu tạm dừng Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017, còn việc mong được tiếp tục là của địa phương. Dừng hay không là thẩm quyền của Hải Phòng. Bất kỳ hình thức nào vì cộng đồng đều phải đảm bảo lành mạnh, an toàn người dân. Nếu tiềm ẩn nguy cơ thì không nên khuyến khích. Nếu quyết tâm tổ chức tiếp, Hải Phòng phải có cam kết, biện pháp cụ thể.

Bộ từng làm quyết liệt cho dừng và thay đổi hình thức các lễ hội như đâm trâu, treo trâu và đập đầu trâu, vậy còn lễ hội chọi trâu dù lâu đời nhưng nguy cơ gây thương tích cao như thế này thì sao?

Năm 2013, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng vinh danh là lễ hội dân gian độc đáo nhất Việt Nam. Bộ cùng địa phương đang tiến hành tổng kiểm kê lễ hội, đặc biệt lễ hội có tính chất như chém lợn, đâm trâu, chọi trâu, treo cổ trâu. Bộ tôn trọng ý kiến các nhà khoa học, cộng đồng nhưng với trách nhiệm là Bộ chủ quản cần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phù hợp, phải loại bỏ những nội dung phản cảm, bạo lực, dã man gây chết người (như Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017).

Hiện tượng chọi trâu chỉ diễn ra ở một số địa phương, nên thời gian tới, Bộ giao ngành văn hóa địa phương chủ trì các cuộc đối thoại với cộng đồng, lấy ý kiến các cơ quan ban ngành, chuyên gia, cơ quan truyền thông để thuyết phục cộng đồng thay đổi hình thức tổ chức. Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam được giao phối hợp các địa phương tổ chức hội thảo, làm sao để ý nghĩa và giá trị của lễ hội không thay đổi nhưng phải tôn trọng, bảo vệ hình ảnh cộng đồng trong hình ảnh quốc gia dân tộc đối với thế giới. .

Trong Nghị định Lễ hội sắp tới, nội dung về các lễ hội có yếu tố bạo lực này sẽ được đưa vào như thế nào? Nếu không cấm các lễ hội như chọi trâu, theo bà cần giải pháp nào để đảm bảo an toàn cho người dân?

Bộ tiếp tục rà soát, bổ sung các văn bản chỉ đạo, triển khai xây dựng Nghị định của Chính phủ về tổ chức hoạt động lễ hội, để đáp ứng công tác quản lý trong thời kỳ mới, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ: Tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội, giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về nếp sống văn minh. Chỉ đạo dừng tổ chức những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc.

Bộ cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Tăng cường thanh kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác, đưa hoạt động lễ hội ngày càng đi vào nền nếp.

Cảm ơn bà.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy dẫn đầu đoàn công tác Bộ VH-TT&DL làm việc với UBND quận Đồ Sơn sáng 2/7, khảo sát và kiểm tra tại sân vận động Đồ Sơn, thăm hỏi gia đình người xấu số. Lãnh đạo Bộ yêu cầu địa phương rà soát các văn bản, quy định trách nhiệm, tiếp tục nghiên cứu và bổ sung văn bản quản lý lễ hội rõ ràng và chặt chẽ hơn. Bên cạnh việc tạm dừng Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017, Thứ trưởng Thủy yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND thành phố Hải Phòng xây dựng lộ trình tổ chức phù hợp, xem xét tổ chức cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ VHTT&DL và lãnh đạo thành phố Hải Phòng để báo cáo Thủ tướng.

Tại cuộc làm việc với Bộ, UBND quận Đồ Sơn khẳng định chưa bao giờ xảy ra tai nạn đến chết người như vậy. Ngày 1/7, UBND thành phố Hải Phòng có văn bản đề nghị tạm dừng lễ hội, đồng thời yêu cầu kiểm tra yếu tố kích thích, đề xuất phương án khắc phục, báo cáo trước 4/7 về thành phố và Bộ. Ông Hoàng Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng BTC lễ hội mong được tiếp tục tổ chức vòng chung kết, sẽ rút kinh nghiệm, kiểm tra sai sót, tăng cường chặt chẽ hơn khâu mua trâu, huấn luyện, theo dõi trâu, nếu trâu có biểu hiện bất thường phải cấm tham gia lễ hội.

Ông Trần Kim Hậu, đại diện Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho rằng, việc tuyển lựa trâu vẫn dựa theo kinh nghiệm, do các chủ trâu là chính còn chính quyền chưa theo sát. Phải có chuyên gia về gia súc hỗ trợ khâu tuyển trâu, giám sát đầu vào để đảm bảo an toàn.

Chuyên gia nói gì?

TS Nguyễn Hồng Kiên: “Nếu đã coi là nét đẹp, là truyền thống văn hóa như tuyên truyền quảng bá du lịch lâu nay thì không thể vì một tai nạn mà bỏ. Báo chí từng phản ánh tình trạng mất an toàn trong nhiều lễ hội chọi trâu. Vấn đề là làm cho tốt chuyện tổ chức, đừng vì quản không được mà cấm”.

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, lễ hội chọi trâu được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mang giá trị nghi thức truyền thống cũng như giá trị tâm linh cho nông dân: “Nhiều năm lại đây, lễ hội này đi chệch khỏi ý nghĩa ban đầu, địa phương có xu hướng quảng bá chọi trâu mạnh hơn các nghi thức khác nên nhiều biến tướng. Sự cố chết người do công tác an ninh, trật tự chứ không phải xuất phát từ nguồn gốc, giá trị của lễ hội. Do đó việc cần làm là chấn chỉnh lại công tác tổ chức”.

MỚI - NÓNG