Từ sân bay, tôi đi tắc xi đến khách sạn Aparta Metos ngay trung tâm của thủ đô Madrid. Tôi nhìn tòa nhà đối diện cao ngất trời với những tấm kính màu xanh lấp loáng ánh nắng ban mai. Lần đầu tiên trong chuyến đi này, tôi mới nhìn thấy một tấm biển có dòng chữ viết bằng tiếng Anh: Center Colon.
Nhân viên tiếp tân của khách sạn khi biết chúng tôi từ Việt Nam đến, gương mặt anh rạng rỡ hẳn lên. Anh hào hứng kể bằng tiếng Anh: “Những năm còn là sinh viên, tôi đã nhiều lần xuống đường tham gia biểu tình phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam”.
Anh nhắc đi nhắc lại “Việt Nam – Hồ Chí Minh – Việt Nam – Hồ Chí Minh” và nói: “Tôi rất yêu mến và khâm phục Việt Nam, dù đây là lần đầu tiên trong đời tôi được gặp người Việt Nam”.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đi xem một trận đấu bò tót, anh bảo: “Các bạn gặp may rồi”. Nói gặp may là bởi vì một tuần, thủ đô Madrid mới tổ chức một trận đấu bò. Ngay sáng hôm sau, nhờ người tiếp tân của khách sạn, chúng tôi đã mua được vé đi xem. Giá vé tính ra khoảng 40 USD/một người vừa tham quan thắng cảnh của thành phố vừa được xem lại đấu trường một trận đấu gồm 6 hiệp ba tiếng đồng hồ.
Đấu trường ở phía bắc thủ đô Madrid. Trông xa, nó giống như một tổ ong khổng lồ. Phía ngoài là những cửa vòm của sáu tầng lầu. Phía trong là các bậc ghế ngồi. Ở bậc ghế cao nhất của đấu trường hình tròn này nhìn xuống giống như ngồi trên thành giếng nhìn xuống đáy giếng sâu. Vì đấu trường rất lớn, nền mặt sân rải bằng cát mịn, nơi sẽ diễn ra cuộc giao tranh giữa các chú bò tót hung hãn và các hiệp sĩ đấu bò, dù ngồi trên cao vẫn nhìn thấy rõ. Tôi nhìn những dấu chân của các hiệp sĩ chạy qua, chạy lại trước khi trận đấu bắt đầu rồi nhìn ra chung quanh. Một nửa khối hình tròn đen đặc người xem phía trước mặt bóng râm đã bắt đầu trải rộng. Nửa đấu trường phía chúng tôi ngồi tràn đầy ánh nắng gay gắt của xứ sở đầy nắng gió Tây Ban Nga. Vé vào cửa của những người ngồi ở phía đầy nắng và chói chang ánh mặt trời này rẻ hơn vé vào cửa nửa bên kia – nửa có bóng râm che phủ đến những mười đô la!
Đấu trường xây từ năm 1929 có 20 vạn chỗ ngồi, lúc đó gần như đã kín chỗ. Tôi thực sự hồi hộp khi lần đầu tiên được tận mắt xem một trấn đấu bò tót. Tiếng trống và tiếng thanh la nổi lên vang rền. Nghi lễ cho trận đấu bắt đầu. Từ trên khán đài một người đội mũ đỏ đứng dậy ném xuống chiếc chìa khóa (đại ý rằng: “Đấu trường bắt đầu mở cửa”). Người đó chính là vị Chủ tịch của trận đấu.
Trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng vỗ tay tưởng như không dứt của hàng vạn con người, các đấu sĩ bắt đầu ra sân đấu chào khán giả. Đi đầu là năm chú ngựa mặc áo giáp, ngồi trên mình ngựa oai phong là các đấu sĩ cầm những cây thương cán dài. Tiếp đến là các hiệp sĩ trong bộ đồ truyền thống tay câm gươm. Đội diễu hành đi một vòng tròn, để lại phía sau đều tăm tắp những dấu chân người, lẫn chân ngựa, in trên cát mịn…
Khi đội diễu hành khuất vào phía trong, lập tức xuất hiện bốn đấu sĩ, với tấm vải đỏ trên tay từ bốn cửa của sân đấu xuất hiện. Rồi từ cửa chính, một chú bò tót hung hãn lao ra. Chú bò tót lao vào tấm vải đỏ đầu tiên mà nó nhìn thấy nhanh như tên bắn. Lập tức đấu sĩ thu mảnh vải, lẩn vào phía trong, mặc cho chú bò lồng lộn húc vào tấm cửa sắt nặng trịch. Bị mất miếng mồi, chú bò lại quay sang đấu sĩ đang căng tấm vải đỏ bên cạnh. Cứ thế, chù bò luôn bị lừa, hết nhảy qua phải lại lùi qua trái. Cho đến lúc mệt nhoài cú bò đứng thở. Bấy giờ, đấu sĩ cưỡi ngựa cầm thương xuất hiện.
Khi chú bò tót húc tới tấp vào chú ngựa có áo giáp bảo vệ (ngựa đã bịt mắt) thì người đấu sĩ ngồi trên mình ngựa với hai bàn chân cũng có giáp sắt bao bọc dùng chiếc thương cán dài đâm vào u bò. Máu chảy túa ra. Một đấu sĩ khác xuất hiện dùng tấm vải đỏ nhử chú bò rời khỏi chú ngựa.
Rồi hai đấu sĩ, mỗi người cầm hai mũi tên có ngạch sắc phóng vào cổ chú bò. Máu từ u, từ cổ chú bò chảy đầm đìa xuống cát. Chú bò lồng lộn vì đau đớn, vì những mũi tên có ngạnh trên cổ rứt từng miếng thịt của chú. Cuộc đấu tay đôi bấy giờ mới bắt đầu. Hiệp sĩ chính của trận đấu tay cầm gươm xuất hiện. Đó là những cảnh ngoạn mục nhất. Cuộc đấu trí, so tài giữa người hiệp sĩ với thanh gươm trên tay và chú bò tót đã bị thương đang lồng lên như điên dại. Đó là cảnh mà ta đã thấy qua phim ảnh nên tôi miễn kể. Hiệp sĩ tìm mọi cách đâm mũi gươm vào đầu chú bò, còn chú bò thì lồng lên như muốn húc tung tất cả.
Khi hiệp sĩ lẫn chú bò đã thấm mệt, bốn đấu sĩ cầm bốn tấm vải đỏ lại xuất hiện. Chú bò tót lại quay như chong chóng giữa bốn tấm vải đỏ thoắt ẩn, thoắt hiện trong tay bốn hiệp sĩ này. Cho đến khi chú bò kiệt sức ngã quỵ xuống, hiệp sĩ chính của trận đấu mới dùng gươm kết liễu đời nó. Chú bò tót dũng mãnh nằm bất động trên sân, người ta dùng ngựa kéo xác chú ra khỏi đấu trường.
Hiệp đấu thứ nhất kết thúc. Lập tức hiệp thứ hai bắt đầu. Một chú bò tót khác xuất hiện vào mọi việc lại diễn ra y hệt hiệp đấu thứ nhất. Chỉ khác là ở lần này, một tai nạn đã xảy ra. Hàng vạn con người ngồi xem cùng kêu lên sợ hãi khi chú bò tót húc đúng người hiệp sĩ. Thanh gươm của hiệp sĩ văng ra, sừng bò cắm phập vào chân anh và chú bò kéo lê hiệp sĩ trên cát trong tiếng kêu thét lên đau đớn … Tim tôi bỗng nhói lên.
Sau một lúc, tôi đứng lên để nhìn cho rõ thì bị mấy người ngồi xung quanh kéo áo ra hiệu ngồi xuống vì trận đấu vẫn tiếp diễn. Người bị thương - hiệp sĩ chính của trận đấu được đưa vào trong, nằm bất động trên cáng cùng đám người hiếu kỳ vây kín, rồi khuất dần sau bức tường ngăn cách. Tôi tự hỏi, không biết anh ta sẽ ra sao? Có bị tàn phế suốt đời hay không?
Một hiệp sỹ khác lại xuất hiện và trận đấu với chú bò tót hung dữ lại bắt đầu.
Tôi nghĩ đến những chú bò tót bị giết. Một trận đấu bò có sáu hiệp, sáu chú bò bị đâm chết. Người ta mang chúng đi lột da, xẻ thịt, sau khi chúng đã hiến dâng cho người xem những cái đẹp dũng mãnh, tinh túy nhất của đời chúng. Sao lại phải giết những con bò nhỉ? Khi mà chúng đã bị thương, kiệt sức ngã quỵ xuống, khi mà người hiệp sĩ đã giơ cao thanh gươm chiến thắng chào khán giả …
Để trả lời những câu hỏi của chính mình, chúng tôi đi tìm mua cuốn sách nói về lịch sử của các trận đấu bò tót được bày bán ở phía ngoài đấu trường cùng với những đồ lưu niệm khác: Những chú bò tót bằng đồng, những mũi tên có ngạch đã từng cắm vào cổ chú bò, những chiếc phù điêu mang biểu tượng của đất nước Tây Ban Nha hình đấu trường và cổng khải hoàn môn…
Thì ra, từ thời Hoàng đế Anpônxơ của thế kỷ 13, vào ban đêm, trong các lễ hội, nhà vua ngồi trên ngựa dùng thương để đâm vào cổ bò tót cùng với đoàn tùy tùng vây quanh. Đến thế kỷ 17, đấu bò tót được chính thức hóa cho dân chúng tới xem như bây giờ. Cũng từ đây, các hiệp sĩ đấu bò được gọi là Matado. Cuối thế kỷ 18, ngai vàng Tây Ban Nha bị triều đại Buốc Bông (Pháp) thống trị. Đấu bò có dấu hiệu suy thoái. Các thương gia bắt đầu để ý kinh doanh lĩnh vực này và đấu bò tót từ đó trở thành chuyên nghiệp. Người ta dựng đấu trường, mở các lớp đào tạo hiệp sĩ, mở các trang trại nuôi bò tót để cung cấp cho các trận đấu…
Người ta phải giết chết những chú bò tót dũng mãnh kia là để cho các trang trại nuôi bò tót phát triển. Có đầu ra mới có đầu vào! Kinh doanh là kinh doanh!
Gần đây, chính phủ Tây Ban Nha đang có ý định cấm thi đấu bò tót ở xứ sớ này, thế nhưng dư luận không đồng tình vì đây là một lễ hội mang đậm chất văn hóa của người Tây Ban Nha, một lễ hội có tự ngàn đời và nổi tiếng trên thế giới.
Từ lễ hội đấu bò tót mà tôi đã tận mắt chứng kiến, lại nghĩ về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, khi có người muốn dẹp bỏ sau sự cố trâu húc chết người. Tôi thiển nghĩ những nhà quản lý cần cân nhắc kỹ vì đây cũng là một lễ hội có tự ngàn đời của người dân Việt Nam.
Viết lại tại nhà vườn Sóc Sơn