> Dân chơi phải nộp phí cao
> Thêm gánh nặng cho người nghèo
Đề xuất thu phí lưu hành ô tô, xe máy và thu phí vào nội đô giờ cao điểm khó khả thi. |
Ông Liên nói: “Nếu đề xuất của Bộ GTVT được thông qua, thì ô tô và xe máy phải gánh phí chồng phí: Phí môi trường thu qua xăng dầu, phí hạ tầng giao thông (cầu, đường), phí lưu thông, phí vào giờ cao điểm, chưa kể tới đây sẽ thu phí bảo trì đường bộ... Một phương tiện làm ăn phải gánh thêm nhiều loại phí như thế là quá tải.
Đề xuất thu phí thế này có duy ý chí không, theo ông?
Đánh vào túi tiền người đi xe máy bất hợp lý. Bởi đây là phương tiện phổ biến ở Việt Nam, nhiều người bất đắc dĩ mới phải đi xe máy, do phương tiện công cộng chưa tốt. Còn nếu có tàu điện trên cao, tàu điện ngầm thì người dân sẽ tự giác bỏ xe máy, đi các phương tiện công cộng ngay cho an toàn. Trong bối cảnh hiện nay, chọn cách đánh vào túi tiền người đi xe máy, tôi không tán thành. Bây giờ, không đi xe máy thì đi bằng cái gì để làm việc?
Bộ trưởng GTVT lý giải rằng, người nào ăn chơi đi xe phân khối lớn (dung tích xy lanh trên 175 cm3) thì phải chấp nhận đóng 1 triệu đồng/năm, phân khối thấp hơn chỉ phải đóng 500 nghìn đồng/năm. Tức đã giảm cho đại đa số người dân rồi?
Bây giờ phải đặt mình vào những người thu nhập thấp hoặc những người lao động chân tay thực sự như xe ôm, thợ nề... mới thấy khó khăn của họ. Chưa kể, làm thế nào để thu được phí này, vì xe máy mua đi bán lại không sang tên đổi chủ, thậm chí lưu hành không cần biển số thì sao thu phí nổi. Còn thu vào giờ cao điểm, khi xe đang nối đuôi nhau vào nội đô làm sao ách lại để thu được?
Nhưng Bộ GTVT dự kiến thu phí tự động?
Muốn thu phí tự động thì phải cần từ 5 đến 10 năm nữa. Bởi vì nó liên quan tới công nghệ thông tin. Trước hết, hệ thống kho bạc nhà nước phải được trang bị công nghệ thông tin đã, người dân cũng phải tập dùng thẻ công nghệ cao. Chưa kể trình độ quản lý nhà nước, trình độ phát triển kinh tế... phải đồng bộ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần hoan nghênh Bộ trưởng GTVT và các cơ quan quản lý nhà nước đã dám chịu trách nhiệm trước các đề xuất của mình; dám nêu ra để người dân phát biểu ý kiến. Sau đó xem xét nếu việc này không làm được thì phải tìm giải pháp khác.
Cám ơn ông.
Đức Nam (thực hiện)
Vội vàng, khó khả thi Trao đổi với Tiền Phong, Thượng tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT TP Đà Nẵng, nói: Việc Bộ GTVT đề xuất thu phí lưu hành ô tô, xe máy trong giờ cao điểm tại các đô thị lớn là một phương án không khả thi và có phần vội vàng. Riêng Đà Nẵng chắc chắn chưa cần áp dụng đề xuất này. “Cần phải tính toán kỹ, thu phí là thu như thế nào, ở đâu, ai thu… và điều cuối cùng là khi thu tất nhiên sẽ phát sinh ra một bộ máy nhân lực, chứng từ, hóa đơn, lập trạm thu phí và rất nhiều rắc rối khác. Liệu thu có đủ để chi cho nhân lực và các phí phát sinh trong quá trình thực hiện không? Thêm nữa, mục đích mà đề xuất của Bộ GTVT đưa ra là giảm thiểu ùn tắc giao thông, cần tính toán, liệu có giảm được không? Kể cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM cũng chưa nên áp dụng phương pháp thu phí xe vào nội đô giờ cao điểm, bởi thu giờ cao điểm, người dân lại vào thành phố các giờ khác, như vậy cũng không tránh khỏi ùn tắc”, ông Đến nói. * Không nên phí chồng phí Theo cựu Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, Bộ GTVT cần nghiên cứu mức thu, cách thu và sức chịu đựng của xã hội, tránh tình trạng chồng phí để tạo sự đồng thuận của xã hội, bởi vừa rồi TP Hà Nội đã tăng phí đăng ký, thuế trước bạ… Chưa kể, việc thu phí trong giờ cao điểm có thể gây nhiều tình huống khó lường như tài xế đậu xe bên ngoài, chờ qua giờ cao điểm mới vào, khi đó sẽ chuyển từ ùn tắc ở trung tâm thành phố ra các cửa ngõ. Rồi người dân sinh sống trong nội thành, không lẽ buộc đậu xe ở ngoại thành? * Chỉ nên thu phí ô tô vào trung tâm TP Theo Đại biểu HĐND TPHCM Lâm Thiếu Quân, thu phí lưu hành phương tiện cá nhân không giải quyết được vấn đề ùn giao thông. Chỉ nên thu phí ô tô khi vào trung tâm TP giờ cao điểm và không thu xe máy. Thu phí ô tô qua trung tâm sẽ tác động đến hành vi của mỗi công dân. So với đóng 30 triệu đồng/năm rồi lưu thông thoải mái cả năm thì đóng 30 nghìn đồng/lần khi lưu thông vào trung tâm sẽ tác động nhiều hơn. Mặt khác, cứ lưu thông qua trung tâm là phải trả phí, không phân biệt xe trong tỉnh, ngoài tỉnh. * “Không quản được thì cấm” (Phucdung@…) Đề xuất của Bộ GTVT lại đi vào “lối mòn” xưa nay là quản không được thì tìm cách thu phí hoặc cấm đoán. Có thể thấy, với giải pháp này, Bộ GTVT đã “chọn việc nhẹ nhàng” và đẩy cái khó về phía người dân. Bởi, chưa cần biết việc thu phí có giải quyết kẹt xe và hạn chế xe cá nhân được hay không, song trước mắt, cơ quan chức năng cũng thu được một số tiền lớn. Còn người dân bị đặt vào thế đương nhiên mất tiền nhưng lại không thể chắc chắn những đồng tiền mình bỏ ra có đem lại đúng hiệu quả và giải quyết được ùn tắc giao thông hay không. Nếu đề xuất của Bộ GT-VT được thông qua, “đùng một cái”, hàng triệu người sở hữu xe cá nhân vốn đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ thuế, phí nay lại phải gánh thêm những khoản phí nặng nề. Đặc biệt với người nghèo, dành dụm mua được chiếc xe máy vài ba triệu đồng để mưu sinh phải nộp khoản phí không nhỏ: 500.000 đồng/năm. Nhất là khi sắp tới họ còn phải gánh thêm các khoản phí bảo trì đường bộ, phí bảo vệ môi trường trong xăng dầu… Không thể cứ lấy mục tiêu giảm ùn tắc giao thông để liên tục chất thêm gánh nặng tài chính lên vai người dân nhất là khi trách nhiệm giải quyết kẹt xe là của cơ quan chức năng. |