Thu phí tự động về đích, trừ dự án “đặc thù”

Hầu hết các trạm thu phí trên cả nước đã có làn thu phí tự động không dừng. Ảnh: Phạm Thanh
Hầu hết các trạm thu phí trên cả nước đã có làn thu phí tự động không dừng. Ảnh: Phạm Thanh
TP - Sau 1 năm chậm tiến độ và được gia hạn, năm 2020 thu phí tự động không dừng (ETC) được Bộ GTVT triển khai cơ bản hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng, trừ một số dự án “đặc thù”.  

Bộ GTVT cho hay, tới nay, tiến độ triển khai lắp đặt và vận hành thu phí tự động tại các trạm thu phí BOT trên cả nước đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Trong đó, giai đoạn 1 đã lắp đặt và vận hành thu phí ETC tại 40 trạm thu phí. Cùng với đó, việc kết nối dữ liệu giữa hệ thống giai đoạn 1 và 2 cũng hoàn tất, thông suốt, xe dán thẻ có thể sử dụng tại tất cả các trạm thu phí.

Với 50 trạm thu phí do 16 tỉnh, thành phố là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tới nay 40 trạm đã lắp đặt và vận hành thu phí ETC, 6 trạm đang lắp đặt thiết bị. Riêng 4 trạm tại tỉnh Cà Mau, do chỉ thu phương tiện thô sơ và nội tỉnh, nên địa phương kiến nghị không triển khai thu phí tự động. Như vậy, có 6 trạm thu phí ở địa phương nguy cơ không đạt tiến độ Thủ tướng giao (phải xong trước 31/12/2020). Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí ETC tại 6 trạm thu phí này.

Thực tế còn một số trạm thu phí chưa triển khai ETC trong năm 2020, vì lý do “đặc thù”, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng xin tách riêng và lùi thời hạn triển khai. Cụ thể là các trạm thu phí của 4/5 tuyến cao tốc do Tổng Cty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý (trừ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã vận hành ETC). Ngoài ra, chưa triển khai ETC tại 3 trạm doanh thu quá thấp (trạm đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk, trạm cầu Mỹ Lợi và trạm cầu Thái Hà) và 2 trạm chưa được thu phí để chờ báo cáo Thủ tướng hướng xử lý (trạm Bờ Đậu - QL3 và trạm T2 - QL91); 3 trạm thời gian thu phí còn lại dưới 3 năm nên không triển khai ETC (QL51).

Về 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý, trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo VEC cho biết, vừa qua, do đợi kiện toàn tổ chức và cân đối vốn nên chưa triển khai thu phí tự động tại các tuyến cao tốc này. VEC đã xây dựng phương án nguồn vốn và hướng triển khai thu phí ETC kết hợp với đề án tái cơ cấu tổng công ty, đã trình Chính phủ xem xét phê duyệt.

 “Khi được Chính phủ phê duyệt, VEC sẽ triển khai đồng thời giữa tái cơ cấu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền thu phí để đầu tư hệ thống thu phí ETC, nên năm 2021 mới làm được”, lãnh đạo VEC chia sẻ.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dù đã vận hành thu phí ETC tại hầu hết các trạm thu phí trên cả nước, nhưng tới nay tỷ lệ chủ xe dán thẻ (thẻ E-tag) và sử dụng dịch vụ còn rất thấp. Theo bà Hiền, trong số 3,8 triệu ô tô trên cả nước, tới nay mới có khoảng 1,1 triệu xe dán thẻ. Trong số xe đã dán thẻ mới có khoảng 50% chủ xe nộp tiền và sử dụng trả phí tự động. Đây hầu hết là xe của các doanh nghiệp vận tải, số lượng xe cá nhân sử dụng chưa nhiều.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.