Thu phí thành thu giá: Có nhất thiết cần như thế không?

Bộ trưởng GD&ĐT: “Học phí là khái niệm nghe quen tai, giờ chuyển sang tự chủ thì phải tính đến chi phí dịch vụ theo Luật Giá... Đó là giá dịch vụ đào tạo”. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Bộ trưởng GD&ĐT: “Học phí là khái niệm nghe quen tai, giờ chuyển sang tự chủ thì phải tính đến chi phí dịch vụ theo Luật Giá... Đó là giá dịch vụ đào tạo”. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Khi dư luận còn chưa hả giận việc Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đổi tên các trạm thu phí BOT thành trạm thu giá nghe tối nghĩa thì Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lại làm số đông bức xúc với việc muốn thu “giá dịch vụ đào tạo” thay vì thu “học phí” như lâu nay.

Cứ gọi học phí thì đã sao!

Về lý do đổi sang thu “giá dịch vụ đào tạo”, Bộ trưởng Nhạ cho là để tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo, đúng quy định của Luật Giá. Giải thích này của ông có thể hiểu là sắp tới học phí ở các trường đại học (ĐH) công sẽ tăng chứ không còn được thu ở mức tượng trưng mang tính phục vụ như lâu nay nữa.

Cách thu “sát giá” như thế có được chấp thuận trong Luật Giáo dục ĐH sửa đổi hay không thì cứ để Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, cần phải thống nhất với nhau rằng làm theo Luật Giá thì không có nghĩa phải gọi tên các khoản thu là “giá”.

Bởi lẽ, lại một lần nữa phải phân biệt sự khác nhau giữa “phí” với “giá”. “Phí” là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Phí gắn với tiền cụ thể, nộp phí là nộp tiền, thu phí là thu tiền, mức thu ít, nhiều sẽ theo yêu cầu của bên cung cấp dịch vụ. Ngược lại, “giá” là giá trị được biểu hiện bằng tiền, không gắn với đồng tiền cụ thể nên không thể thu hay nộp.

Từ cách hiểu đơn giản này mà hồi nào giờ trong đời sống người ta vẫn cứ gọi học phí, phí dự thi, dự tuyển, viện phí, cước phí, phí trông giữ xe, phí kiểm dịch y tế, phí giới thiệu, tư vấn việc làm... Một cách gọi chung, không có sự phân định dịch vụ công hay tư (mà phân định để làm gì vì phí = tiền!). Một cách gọi phổ biến mặc cho Luật Phí và lệ phí có những quy định như thể dành riêng từ “phí” cho các dịch vụ công. Vậy, Bộ GD&ĐT có biết điều này mà lại xài “giá dịch vụ đào tạo” cho rối rắm?

Cụ thể hơn, giờ muốn thu học phí theo Luật Giá chứ không theo quy định cũ nữa thì Bộ GD&ĐT cứ nêu rõ trong dự luật là học phí sẽ được tính theo cách tính giá dịch vụ. Trường hợp muốn học phí phải bao hàm nhiều khoản thu có liên quan thì Bộ có thể định nghĩa học phí gồm có những khoản phí a, b, c… gì đó; phí nào thì cứ gọi thẳng tên, càng ngắn gọn càng tốt, hạn chế sự dông dài. Chẳng hạn cứ gọi là phí đào tạo, phí tuyển sinh…, không cần thiết phải gọi là phí dịch vụ đào tạo, phí dịch vụ tuyển sinh… như Bộ trưởng Nhạ đã thuyết minh trước Quốc hội.

Không chừng sẽ có nhiều phí “mọc” thành giá

Nhân đây cũng xin được lưu ý có một điều chỉnh trong Luật Phí và lệ phí mà nếu “nhắm mắt” thực hiện thì không chỉ có hai bộ trưởng GTVT, GD&ĐT mà còn có nhiều bộ trưởng khác cũng bị “ném đá” do đổi “thu phí” sang “thu giá”.

Theo Điều 24 luật này, từ ngày 1-1-2017 (thời điểm luật có hiệu lực thi hành), có 17 loại phí thuộc nhiều lĩnh vực có trong danh mục kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí 2001 chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá do Nhà nước định giá theo quy định của Luật Giá (xem box). Dựa trên quy định về “tên giá sản phẩm, dịch vụ” của Phụ lục số 2 của luật này, Bộ GTVT đã đổi tên “phí sử dụng đường bộ” thành “giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh”.

Tương tự, có thể hiểu “phí phòng, chống dịch bệnh” được đổi thành “giá dịch vụ tiêm phòng, tiêm độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y”; “phí chợ” thành “giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ”; “phí vệ sinh” thành “giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt”… Toàn là những cái tên dài ngoằng để rồi vì không thể viết lê thê nên các trạm thu phí BOT đã ghi ngắn gọn là trạm thu giá, gây “dậy sóng” trong mấy ngày qua và đến nay Bộ GTVT vẫn chưa sửa lại.

Đồng ý là từ ngữ văn bản không thể lúc nào cũng giống như từ ngữ dùng ngoài đời nhưng với cách chuyển đổi từ “phí” sang “giá” không phù hợp với ý nghĩa chung đã được xã hội công nhận và sử dụng rộng rãi từ xưa đến nay nêu trên, chẳng lẽ phải xem lại trình độ tiếng Việt của nhiều quan chức lập pháp và hành pháp? Cùng chờ xem các bộ trưởng khác có biết chọn lọc hơn để đừng đi theo vết xe đổ từ ngữ của hai bộ trưởng GTVT và GD&ĐT hay không nhé!

Môi trường giáo dục không có chuyện mua bán!

Tôi cho rằng không thể dùng “giá dịch vụ đào tạo” thay cho “học phí”. Bởi chữ “giá” chỉ nên dùng cho giá mua và giá bán, trong khi đó môi trường giáo dục không có chuyện mua bán!

Thứ nhất, môi trường giáo dục là nơi cung cấp dịch vụ và người học sẽ chi trả cho những chi phí hợp lý của dịch vụ đó, cho nên trong trường ĐH chỉ có thể gọi là thu phí. Đó cũng là lý do tiếng Anh có chữ “tuition fee”, có nghĩa là học phí, đó là phí học tập của người học. Do người học được cung ứng đầy đủ các dịch vụ từ giảng đường, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, hệ thống quản lý, chương trình đã được kiểm định, cả hệ thống đánh giá đo lường, kỹ năng nghề nghiệp… cho nên tất cả điều này sẽ được quy ra phí và nhà trường sẽ thu phí ở người học nên gọi là “tuition fee”. Và từ lâu nước ngoài đã sử dụng từ phí, không dùng chữ giá.

Thứ hai, nếu bảo do luật quy định, giá được phân cấp quản lý kiểu khác và phí được phân cấp quản lý kiểu khác thì Bộ GD&ĐT có thể kiến nghị với Nhà nước để điều chỉnh việc quản lý đó sao cho phù hợp chứ không phải vì lách chuyện quản lý mà từ phí chuyển thành giá, đó là điều không nên. 

Thứ ba, việc Bộ GTVT đổi tên trạm từ thu phí cầu đường sang thu giá là một chuyện tréo ngoe. Chuyện này có nguồn gốc từ nhà làm luật dùng chữ sai. Luật sai thì nên sửa luật, chứ đừng vì luật mà dùng từ ngữ không đúng, không phù hợp, gây phản cảm trong nhân dân.

Hiệu trưởng một trường ĐH trên địa bàn TP.HCM

Tính chính danh của từ học phí

Bộ GD&ĐT là bộ tri thức, giáo dục con người, vậy mà cũng muốn đổi thành “giá dịch vụ” chứ không phải “phí đào tạo”. Điều này quá là phi lý, tôi không ủng hộ vấn đề này!

Học phí thì nói học phí, việc gì phải đổi thành “giá dịch vụ đào tạo”? Hơn nữa, mọi người đã quen thuộc với hai từ này. Hầu hết phụ huynh, người trẻ lẫn già đều đã biết đó là thứ tiền cần phải đóng khi cho con đi học.

“Học phí” nó mang tính chính danh nên mọi người dễ chấp nhận, vậy làm sao phải đổi cho phức tạp! Mặt khác, chuyển từ cụm từ học phí sang giá dịch vụ đào tạo sẽ khiến mọi thứ bị đảo lộn. Thu phí là do Nhà nước quản lý, còn chuyển sang “giá dịch vụ” các trường sẽ tự do, nếu Nhà nước không quản lý vấn đề này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngoài ra, điều mọi người cần ở Bộ GD&ĐT, cần ở vai trò của một người bộ trưởng là làm sao tạo ra sự khởi sắc trong chương trình và chất lượng đào tạo để các trường được tự chủ hơn trong tổ chức học tập, giảng dạy chứ không cần mấy cái thay đổi này.

Một PGS-TS không muốn nêu tên

Theo Theo PLO
MỚI - NÓNG