Xe ô tô vào trung tâm TPHCM sẽ phải nộp phí từ 2019.
Công ty Cổ phần công nghệ Tiên Phong vừa trình UBND TPHCM và Sở Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất dự án “thu phí ôtô vào trung tâm TPHCM để hạn chế ùn tắc giao thông”, dự kiến sẽ bắt đầu thu phí từ năm 2019. Tuy nhiên, việc thu phí ô tô vào trung tâm khiến nhiều chuyên gia băn khoăn về tính hiệu quả cũng như các doanh nghiệp phải gánh thêm phí chồng phí….
Trao đổi với phóng viên, TS. Phạm Sanh, chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về giao thông, đô thị cho rằng, TPHCM cần phải có lộ trình, nghiên cứu rõ ràng để tránh “dẫm lên bánh xe đổ” của một số nước khác. Hiện nay có nhiều nước áp dụng mô hình này, trong đó có nước thành công nhưng cũng không ít nơi thất bại.
Theo lý luận của đề án này, khi thu phí thì người dân không dám chạy xe vào trung tâm nữa. Tuy nhiên, khi đó dân sẽ chạy đi đâu, làm thế nào để kinh tế xã hội thành phố vẫn phát triển, trung tâm vẫn hoạt động bài bản.
Thế giới có những nơi thành công như Singapore, Luân Đôn… nhưng những nơi này muốn thành công cũng phải mất 50-60 năm, nơi nào nhanh thì cũng phải hơn 20 năm. Trong khi đó, Hồng Kông (Trung Quốc) và nhiều nước khác, không ít nơi thất bại. Vì vậy cần phải nghiên cứu kỹ, tính toán, phân tích nhu cầu đi lại của người dân.
“Theo tôi dự án này nặng về mua bán công nghệ nhiều hơn. Với 36 trạm thu phí không dừng như vậy nếu người dân không đóng tiền thì sao? Nếu người dân không đi ô tô mà đi xe buýt thì phương tiện công cộng đã đủ đáp ứng nhu cầu người dân? Phương án hỗ trợ phương tiện công cộng không?... Người dân đi từ Bình Chánh qua quận 2, Thủ Đức hay từ Quận 12, Hóc Môn đi quận 7 thì phải đi như thế nào? Không lẽ phải chạy vòng quanh thành phố để đi?”, TS.Phạm Sanh nói.
Theo TS. Phạm Sanh, nếu chặn chỗ này thì buộc người dân phải chuyển hướng khác để lưu thông, như vậy sẽ có nguy cơ chuyển kẹt xe từ nơi này qua nơi khác, tăng thêm các loại chi phí của người dân. Bên cạnh đó, nếu muốn thu phí thông minh thì cần phải tính toán các thiết bị này liên kết với các trạm thu phí của Bộ Giao thông thế nào, nếu không người dân phải mua nhiều thiết bị gây lãng phí…
Bên cạnh đó, để người dân bỏ xe cá nhân và đi xe công cộng vào trung tâm thì cần tính toán các bãi đậu xe ở dọc các vành đai để người dân có chỗ gửi xe đi công cộng. Phát triển mạng lưới giao thông công cộng phù hợp để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Không chỉ băn khoăn về phương án thu phí, các hệ lụy về giao thông khu vực vùng ven khi các điểm thu phí này hoạt động, các chuyên gia, doanh nghiệp còn băn khoăn việc thu phí như thế này sẽ tạo thêm áp lực, gánh nặng lên các doanh nghiệp vận tải.
Ông Lê Trung Tính (Chủ tịch Hiệp hội Hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM) cho rằng, trước tình trạng kẹt xe ở trung tâm TPHCM thường xuyên xảy ra như hiện nay, việc áp dụng thu phí để hạn chế phương tiện vào nội thành là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần xem lại mức phí để tránh phí chồng phí, tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải vì hiện nay họ đã phải chịu rất nhiều các khoản phí.
“Việc thu phí này liệu sẽ làm tăng giá vận tải hành khách, hàng hóa… khi hiện nay các doanh nghiệp phải gánh phí BOT, phí cầu đường… làm giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hành khách trong nước với các quốc gia trong khu vực? Vì vậy cần phải xác định mức phí và thời gian thu phí để tránh ảnh hưởng đến giá dịch vụ”, ông Tính nói.
Cũng theo ông Tính, việc lập vành đai thu phí như đề án thì cần phải tính đến phương án cho người dân đi xuyên trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, cũng cần phải tính đến những bãi đậu xe ở vành đai để người dân có nơi gửi xe. Cần xem lại mức phí đối với các phương tiện công cộng như xe buýt, taxi…
Đồng quan điểm này ông Tạ Long Hỷ (chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM) cho rằng, với mỗi xe taxi ra vào vành đai mà thu 30.000 đồng một lượt thì người chịu thiệt là hành khách. “Người ta đi taxi hết 20.000, qua vành đai bắt nộp thêm 30.000 nữa thì chắc chắn người dân không chịu, khi đó họ sẽ phản ứng. Cần xem lại mức phí để tránh ảnh hưởng người dân”, ông Hỷ nói.
Theo đề án này, khu vực trung tâm TPHCM sẽ được lập một vành đai khép kín bao gồm các tuyến đường Hoàng Sa dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên, giao với Cách Mạng Tháng Tám, đường Ba Tháng Hai, đường Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, đường Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng để xây dựng các cổng thu phí.
Các xe vào trung tâm TPHCM sẽ phải nộp 40.000 đồng đối với ôtô cá nhân, 30.000 đồng đối với taxi (có đăng ký tại TPHCM) và 50.000 đồng đối với xe tải và xe buýt thương mại (kể cả xe biển xanh), thời gian thu phí từ 6h đến 19h hàng ngày. Các xe chạy theo hướng ra khỏi trung tâm sẽ không phải nộp phí.
Tổng mức đầu tư dự án là 1.797 tỉ đồng theo hình thức PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác), BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao) trong thời gian 15 năm. Dự kiến nếu tổ chức thu phí như trên, có khả năng thu được khoảng 700 tỉ đồng/năm. Thời gian chuẩn bị dự án là năm 2017-2018. Giai đoạn xây lắp từ năm 2018-2019, thời gian thu phí từ năm 2019-2034.