Không nên lu loa?
Cũng như Giám đốc chi nhánh phía Nam Đinh Trung Cẩn, sáng 25/5 giải thích trước báo giới, nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) nêu quan điểm: khách sạn nào cũng có tivi và chắc chắn có nhiều chương trình ca nhạc, sử dụng âm nhạc trên truyền hình nên việc thu tác quyền là
đương nhiên!
Theo ông Phó Đức Phương, Trung tâm thu tiền sử dụng âm nhạc ở các khách sạn tại Đà Nẵng hơn 3 năm nay, riêng Hà Nội và TPHCM thu 10 năm: “Cá nhân hay tập thể sử dụng âm nhạc để kinh doanh phải trả tác quyền. Sử dụng tác phẩm nghĩa là sử dụng tài sản của tác giả để kinh doanh thì phải nghĩ đến chủ nhân của chúng”.
“Các khách sạn ở Đà Nẵng phải tìm hiểu luật, không phải lu loa lên như thế”, ông Phương nói. Trước câu hỏi truyền hình đã nộp phí tác quyền âm nhạc, nếu khách sạn tiếp tục trả thì thành phí chồng phí, ông Nguyễn Hoàng Giang- Giám đốc VCPMC khu vực phía Bắc cho biết, việc thu tác quyền đối với các đài truyền hình là quyền truyền đạt tới công chúng. Tác giả âm nhạc có bốn loại quyền cơ bản là quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền được kiểm soát và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng.
Thu phí âm nhạc trên tivi đối với các khách sạn, theo VCPMC tương tự thu tác quyền nhạc chuông, karaoke hay sử dụng âm nhạc trên máy bay. VCPMC cho biết: 10 năm trước các hãng hàng không cũng bức xúc lắm, sau đó được giải thích và đưa ra các quy định pháp luật, họ cũng chấp nhận. Việc thu phí khách sạn đã được 10 năm nhưng chủ yếu khách sạn 4-5 sao, đến nay mới bắt đầu ở hạng thấp hơn.
Chưa hợp lý
Một trong những thắc mắc chưa được giải thích thỏa đáng chính là việc phân chia số tiền tác quyền thu theo hình thức này. Theo số liệu của VCPMC, năm 2016 tiền tác quyền âm nhạc thu được từ các khách sạn, nhà hàng ở phía Nam là ba tỷ đồng. Tuy nhiên ông Phó Đức Phương khẳng định, tiền thu từ tivi rất nhỏ, chủ yếu là tác quyền biểu diễn nhạc sống, bật nhạc nền trong bar, khách sạn.
Ông Nguyễn Hoàng Giang thừa nhận việc chia tiền cho các tác giả âm nhạc đang khó khăn và cảm tính, bởi khó bóc tách chính xác số bài hát và số lần sử dụng. Đại diện Trung tâm nói, nhờ chủ khách sạn đưa ra danh sách bài hát sử dụng thường xuyên và dựa vào đó chi trả tác quyền.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng giải thích: Theo Luật Sở hữu trí tuệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam cam kết thì việc thu tác quyền âm nhạc trên tivi là hợp pháp. Ông dẫn Khoản 1 Điều 23 Nghị định 100 hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ quy định điều này rồi. Tuy vậy hình thức thu thế nào, mức phí bao nhiêu là vấn đề khác. Lãnh đạo Cục nói thêm, nếu tác giả, người biểu diễn hay nhà sản xuất bản ghi âm có tài sản và ủy quyền cho VCPMC thì Trung tâm chỉ được thu phí cho các hội viên có tài sản, thu không đúng hội viên không đúng tài sản là trái pháp luật.
Xung quanh mức 25 nghìn đồng/tivi, ông Bùi Nguyên Hùng giải thích, đó là giao dịch dân sự nên bên có tài sản đưa ra mức phí để đàm phán với bên khai thác. Trường hợp các bên không đàm phán được thì cơ quan nhà nước vào cuộc và các bên sẽ khởi kiện ra tòa để tìm sự đồng thuận. VCPMC cho biết đã đưa ra các biểu giá hợp lý với từng khu vực và quy mô. Nhưng lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả cho rằng không nên đưa mức giá cứng nhắc, bởi có những cơ sở ở khu vực khác nhau chưa đồng thuận.
Ông Bùi Nguyên Hùng đề nghị Trung tâm thực hiện đúng quy trình, đúng luật và có lộ trình phù hợp. Ông cũng chỉ ra trong công văn VCPMC gửi các khách sạn Đà Nẵng có điểm chưa hợp lý, thậm chí vượt thẩm quyền. “Luật Sở hữu trí tuệ quy định rõ, có loại hình buộc phải đến gặp tác giả, chủ sở hữu và trả tiền. Tuy nhiên có loại hình được quy định ở điều 26, 33 không cần xin phép nhưng vẫn trả tiền. Nếu triển khai thu tiền tác quyền trên tivi ở khách sạn không phải cứ ngồi chờ họ đến, như thế là vượt thẩm quyền”, ông Hùng nói.
“Đơn vị sản xuất ra băng đĩa phải đóng tác quyền, người sử dụng không phải đóng. Nhưng người dùng băng đĩa đó kinh doanh (nghĩa là khai thác tác quyền) phổ biến một lần nữa thì phải đóng tác quyền. Thực chất việc thu tác quyền tivi ở khách sạn không khác thu tác quyền nhạc chuông điện thoại, karaoke nên tôi nghĩ thu là đúng, tuy nhiên mức tính thế nào là vấn đề. Bởi tivi không đặc trưng sử dụng âm nhạc như karaoke và nhạc chuông. Hơn nữa thời lượng sử dụng âm nhạc Việt Nam trên truyền hình không nhiều và rất khó tách bạch. Tuy nhiên đây là vấn đề dân sự, tranh chấp dân sự”
Luật sư Trần Anh Dũng, Đoàn Luật sư Hà Nội