Thử nghiệm xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa bằng công nghệ mới

TPO - Chiều 8/12, tại Hà Nội, Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (Bộ Tư lệnh Hóa học) và Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo về kết quả thử nghiệm công nghệ rửa đất để xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Thử nghiệm xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa bằng công nghệ mới ảnh 1 Dưới sự chủ trì của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), hội thảo có sự tham dự của Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Daisuke Okabe; Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học, ủy viên Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701; lãnh đạo, đại biểu nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế và hai nước cùng các nhà khoa học.

Theo Bộ Tư lệnh Hóa học, trong năm 2019 và 2020, Tập đoàn Shimizu đã phối hợp với Trung tâm công nghệ xử lý môi trường thuộc Binh chủng Hoá học tổ chức thử nghiệm công nghệ rửa đất để xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

 Công nghệ rửa đất đã được Tập đoàn Shimizu thực hiện tại Nhật Bản để xử lý hàng triệu tấn đất nhiễm hoá chất độc hại, trong đó có đất nhiễm dioxin. Tuy nhiên, vì ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hoà có những đặc điểm riêng, nồng độ dioxin cao và rất cao, nên Tập đoàn Shimizu nhận thấy sự cần thiết phải thử nghiệm để đánh giá hiệu quả của công nghệ và lựa chọn quy trình xử lý hiệu quả nhất.

 Một nhà máy hoàn chỉnh để thử nghiệm công nghệ rửa đất đã được xây dựng tại Biên Hoà. Với công suất 14 tấn/giờ và thời gian làm việc 8 giờ/ngày, nhà máy xử lý được từ 120 đến 150 mét khối đất nhiễm (tương đương với 220 đến 270 tấn) trong ngày và từ 30 nghìn đến 37 mét khối đất nhiễm trong một năm. Nếu thời gian làm việc của nhà máy được nâng lên 16 giờ/ngày thì có thể xử lý được từ 65 nghìn đến 80 mét khối với 250 ngày làm việc trong năm.

Thử nghiệm xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa bằng công nghệ mới ảnh 2 Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại hội thảo

 Trong quá trình thử nghiệm, Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường và các cơ quan có liên quan của Việt Nam đã giám sát, đánh giá quá trình triển khai thử nghiệm. Quan trắc môi trường đã được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Kết quả cho thấy không có sự phát tán dioxin vào nước thải và không khí, hoàn toàn không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Những người tham gia thử nghiệm được thăm khám, theo dõi sức khoẻ và định lượng dioxin trước và sau thử nghiệm.

Kết quả cho thấy không có phơi nhiễm dioxin ở những người tham gia thử nghiệm. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, công nghệ rửa đất Shimizu đảm bảo tính hiệu quả về kỹ thuật, tiết kiệm kinh phí, thời gian thực hiện và đặc biệt là thân thiện với môi trường.

Thử nghiệm xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa bằng công nghệ mới ảnh 3 Công sứ Nhật Bản Daisuke Okabe phát biểu tại hội thảo

Sân bay Biên Hòa là nơi ô nhiễm dioxin trọng điểm nhất ở Việt Nam, được đánh giá bị ô nhiễm dioxin khoảng 500.000m3 (cụ thể, khối lượng đất nhiễm dioxin tại phía Nam sân bay khoảng 200.000m3; phía Tây sân bay khoảng 300.000m3).

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.