300 triệu USD xóa điểm nóng dioxin sân bay Biên Hòa

TPO - Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đại diện chính phủ Hoa Kỳ đã ấn nút khởi công dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Chính phủ Hoa kỳ cam kết khoản tài trợ 300 triệu USD để thực hiện dự án này. 

Ngày 5/12, tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không- Không quân Việt Nam (PK-KQ), Bộ Quốc phòng cùng Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) đã khởi công dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa đồng thời ký thỏa thuận triển khai dự án 65 triệu đô la nhằm hỗ trợ người khuyết tật.

300 triệu USD xóa điểm nóng dioxin sân bay Biên Hòa ảnh 1 Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tại lễ khởi công dự án tẩy độc dioxin sân bay Biên Hoà

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Đại biện Lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam bà Caryn R. McClelland; Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tham dự sự kiện mang tính cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ này.

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: "Lễ khởi công dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và ký kết Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại cho dự án hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh bị phun giải chất da cam dioxin là dấu mốc quan trọng nhằm tiếp tục hiện thực hóa nội dung trong Tuyên bố chung của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Hoa Kỳ; thể hiện quyết tâm của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương trong sự phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ để giải quyết hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam". 

300 triệu USD xóa điểm nóng dioxin sân bay Biên Hòa ảnh 2 Sân bay Biên Hoà 

Trong khi đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng đây là những dự án hợp tác quan trọng giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ để cùng nhau giải quyết, khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và chất độc da cam/dioxin nói riêng. Theo Phó Thủ tướng sự kiện khởi công dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 và Lễ ký kết thỏa thuận viện trợ dự án hỗ trợ người khuyết tật ở các tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam ngày hôm nay thể hiện cam kết mạnh mẽ của phía Hoa Kỳ cùng Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc hóa học do chiến tranh để lại đối với cả môi trường và con người tại Việt Nam.

“Hôm nay, điểm nóng dioxin lớn nhất, phức tạp nhất tại Việt Nam chính thức bắt đầu xử lý, niềm mong mỏi của người dân khu vực sân bay Biên Hòa được đáp ứng. Tôi tin rằng sau khi dự án hoàn thành, điểm nóng dioxin khu vực sân bay Biên Hòa chỉ là còn trong sử sách, người dân hoàn toàn yên tâm sinh sống, thành phố Biên Hòa sẽ có diện tích lớn đất sạch để phát triển kinh tế - xã hội”- Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình bày bỏ.

300 triệu USD xóa điểm nóng dioxin sân bay Biên Hòa ảnh 3 Lãnh đạo hai nước ấn nút khởi công dự án

Đại biện Lâm thời Hoa Kỳ, McClelland khẳng định: “Chúng ta một lần nữa minh chứng với thế giới một ví dụ tuyệt vời về quan hệ đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ, trong đó hai cựu thù lựa chọn trở thành đối tác, vượt qua quá khứ và mở đường hướng tới một tương lai hữu nghị và thịnh vượng chung.”

Đề thực hiện dự án, Quân chủng PK-KQ đã bàn giao 37 hecta đất khu vực phía tây sân bay (khu vực Pacer Ivy) cho USAID để bắt đầu thực hiện các hoạt động thực địa trong khuôn khổ Dự án Xử lý ô nhiễm Dioxin khu vực sân bay Biên Hòa. Mục tiêu đầu tiên là loại bỏ nguy cơ rò rỉ thêm dioxin ra khu vực bên ngoài sân bay, phối hợp với cơ quan chính quyền tỉnh Đồng Nai để làm sạch các khu vực ngoài sân bay và sau đó là xử lý và cô lập đất nhiễm dioxin. Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết khoản kinh phí 300 triệu đô la để khôi phục môi trường cho sân bay và các khu vực xung quanh và dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong 10 năm.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.