Thu ngân sách 2018: giảm hơn 30.000 tỷ thuế vì cam kết thương mại

Nhiều liên doanh FDI chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN trong năm 2017 để hưởng thuế ưu đãi khiến nguồn thu ngân sách nhà nước bị sụt giảm.
Nhiều liên doanh FDI chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN trong năm 2017 để hưởng thuế ưu đãi khiến nguồn thu ngân sách nhà nước bị sụt giảm.
TP - Với lộ trình cắt giảm thuế quan, việc giảm thu do thực hiện các cam kết hiệp định thương mại tự do (FTA) trong các năm 2018 - 2020 sẽ diễn biến lần lượt như sau: 30.150 tỷ đồng, 36.340 tỷ đồng rồi xuống tới 43.965 tỷ đồng.

10 FTA kéo giảm hơn 30.000 tỷ

Theo Bộ Tài chính, hiện nay Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại quốc tế. Việc thực hiện các cam kết quốc tế hội nhập về thuế quan nhằm thu hút và góp phần gia tăng đầu tư nước ngoài, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (DN), thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó làm gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK), có tác động lan tỏa trong toàn bộ nền kinh tế trong việc tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ các sắc thuế nội địa khác như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN)...Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết FTA cũng khiến số thu ngân sách từ thuế nhập khẩu (NK) sụt giảm, ảnh hưởng đến công tác thu NSNN chung. Riêng năm 2018, số thu ngân sách từ thuế NK sẽ sụt giảm 30.150 tỷ đồng.

Thu ngân sách 2018: giảm hơn 30.000 tỷ thuế vì cam kết thương mại ảnh 1

Các FTA vừa tác động giảm thu trực tiếp từ lượng và trị giá hàng hóa NK từ các nước đã ký kết. Ngoài ra, FTA còn gây giảm thu gián tiếp từ việc “chuyển hướng thương mại”, tức các nhà NK chuyển hướng sang nhập từ các nước có cam kết FTA để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt thay vì NK từ các nước ngoài FTA như trước đây.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, với lộ trình cắt giảm thuế quan, việc giảm thu do thực hiện các cam kết FTA trong các năm 2018 – 2020 sẽ diễn biến lần lượt như sau: 30.150 tỷ đồng, 36.340 tỷ đồng rồi xuống tới 43.965 tỷ đồng. Riêng năm 2018, trên 90% các dòng hàng theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ có thuế NK giảm xuống 0%. Mạnh nhất là một số mặt hàng có số thu lớn thuế suất cao như: ô tô giảm từ 30% xuống 0%; linh kiện phụ tùng 5%, 20% xuống 0%; sắt thép 5% xuống 0%; nông sản, thuốc lá, rượu…

Bên cạnh đó, với việc ký các Hiệp định thương mại ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thương mại ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) trong năm 2018 cũng có tới hơn 400 dòng hàng có thuế suất hiện nay là 5, 7, 10% sẽ về 0% vào năm 2018.

 Tăng giải pháp hạn chế tác động nguồn thu

Ở một khía cạnh khác, do ảnh hưởng của việc thực hiện các cam kết quốc tế về thuế quan, thuế suất bình quân gia quyền của toàn bộ hàng hóa nhập khẩu cũng giảm dần hàng năm theo lộ trình: năm 2015 là 4,75%, năm 2016 giảm về còn 3,74%, và đến năm 2018 giảm xuống còn 2,98%.

Trên cơ sở đó, để thực hiện tốt các cam kết nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu NSNN, Bộ Tài chính đã đề ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tác động tới nguồn thu. Trước hết là tái cơ cấu nguồn thu, mở rộng cơ sở thu thuế, tăng thu nội địa theo tinh thần Nghị quyết 07 ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nguồn tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Song song với đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành đẩy mạnh tiến trình sửa đổi chính sách, trực tiếp là sửa đổi 5 Luật thuế gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên. Đồng thời nghiên cứu một số chính sách thuế mới phù hợp với tình hình thực tiễn. Một việc quan trọng khác được Bộ Tài chính xác định là tiếp tục cải cách, hiện đại hóa cơ quan thuế, cơ quan hải quan, tạo điều kiện cho DN hoạt động, giảm số giờ làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí.

Bộ Tài chính tuân thủ việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ 10 Hiệp định thương mại (gồm: ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Úc - Niu Di-lân, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi lê, Việt Nam - Hàn Quốc, và Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu).

MỚI - NÓNG