Buôn lậu diễn ra nhức nhối

Ngân sách nhà nước một phần “đội nón ra đi”, một phần “chảy” vào túi cán bộ

Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính.
TP - Nợ công còn cao, áp lực trả nợ lớn, tiêu cực trong lĩnh vực thuế, hải quan,“đi đêm”, cũng như tình trạng buôn lậu, thất thu thuế đối với Uber, Grab… là những nội dung bao trùm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ngày 16/11 tại Quốc hội.

Đề cập tình trạng buôn lậu diễn ra nhức nhối, ĐB Nguyễn Văn Chiến (TP Hà Nội) cho rằng, điều này đang khiến ngân sách nhà nước một phần “đội nón ra đi”, một phần “chảy” vào túi cán bộ, trong đó gây thất thu ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Một phần vào túi cán bộ

Ông Chiến dẫn chứng, hàng loạt các vụ việc nổi cộm, bức xúc xảy ra tại cảng Sài Gòn, vụ 213 container “bỗng dưng biến mất”… “Đề nghị bộ trưởng cho biết trách nhiệm cá nhân và lãnh đạo ngành hải quan đến đâu khi xảy ra các vấn đề, vấn nạn này. Nguyên nhân do buông lỏng quản lý hay suy thoái đạo đức và giải pháp nào để chấm dứt tình trạng tham nhũng trên”, ông Chiến nêu câu hỏi.

Giải đáp ý kiến của ông Chiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói, vụ 213 container do chính Tổng cục Hải quan phát hiện ra. Hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã bắt 3 đối tượng. Ông Dũng nói, trong chỉ đạo Bộ Tài chính chủ động, kiên quyết chống tình trạng tiêu cực trong này và triển khai rất nhiều giải pháp. “Có những vụ việc như hải quan An Giang, bắt một lúc 46 cán bộ. Đây cũng là vụ việc Bộ Tài chính chỉ đạo, kiểm tra ra và phối hợp với công an”, ông Dũng dẫn chứng.

Theo ông Dũng, Bộ Tài chính quyết tâm chống tiêu cực trong ngành và ngoài ngành. Hàng năm, riêng xử lý nội bộ, kỷ luật cán bộ thuế và hải quan liên quan đến thực hiện chức trách nhiệm vụ, quy trình thủ tục, quy phạm về mặt hành chính khoảng 300 người... Vụ 213 container, ngoài đối tượng tham gia trực tiếp, những người còn lại cũng đã kiểm điểm và xử lý hành chính, chuyển đổi vị trí công tác. “Nguyên nhân không nên đổ cho khách quan mà nên nhìn vào nguyên nhân trực diện. Đây chính là suy thoái trong đội ngũ, trong lực lượng. Chúng tôi với thái độ là quyết tâm và quyết liệt để triển khai cũng như xử lý”, ông Dũng nói.

Uber, Grab “nóng” đến bao giờ?

Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động rất mạnh đến sự phát triển của thương mại điện tử và ra đời các hoạt động kinh doanh mới như bán hàng qua mạng, kinh doanh Uber, Grab hoặc thanh toán điện tử lưu động. “Bộ trưởng dự tính làm gì để thay đổi phương thức kiểm soát thuế trong tương lai cho phù hợp với phương thức phát triển tiên tiến, khách quan của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?”, ông Cường nêu câu hỏi.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, vừa qua, từ việc kiểm tra, thanh tra thì Uber, Grab cũng đã tự giác kê khai. Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế cũng đã truy thu thêm, như với Uber là gần 67 tỷ đồng, Grab là hơn 3 tỷ đồng. Kinh doanh trên Google cũng đã được kê khai. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thừa nhận “hiện nay kinh doanh trên Facebook, Google... đã kê khai, nhưng chưa thu được”. Thời gian qua, bộ cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng, chính quyền Hà Nội và TPHCM tìm ra nhiều địa chỉ kinh doanh trên mạng và một số người đã kê khai mã số thuế.

Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ phối hợp với Ngân hàng nhà nước và các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp đơn vị, kể cả Facebook có hiện diện thương mại tại Việt Nam kê khai, ủy quyền nộp thuế. “Ngành tài chính cũng phải ứng dụng công nghệ để bắt kịp với tình hình thực tế, phù hợp với các loại hình kinh doanh mới”, ông Dũng cho biết.

Tuy nhiên, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn rằng, kỳ họp trước ông đã chất vấn Thủ tướng về thử nghiệm Uber, Grab nhưng câu trả lời lại nhấn mạnh về ưu thế. Do đó, lần này, ông muốn tiếp cận câu chuyện về nguồn thu, thị trường của Uber, Grab thì lớn, nhưng thuế đóng góp thấp. “Thời gian thí điểm sắp kết thúc, vậy việc thử nghiệm đối với các loại hình này thì có tiếp tục hay không, khi mà đầu tư ít, lỗ nhiều, nợ thuế lớn. Trong khi bản thân chủ ở nước ngoài lĩnh đủ, tất cả hệ luỵ lại ở trong nước”, ông Quốc nói.

Ngân sách nhà nước một phần “đội nón ra đi”, một phần “chảy” vào túi cán bộ ảnh 1 ĐB Nguyễn Văn Chiến - Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

“Chính phủ nói không với tăng trần nợ công”

Đề cập vấn đề nợ công, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá cao những nỗ lực của ngành tài chính trong việc quản lý nợ công. Tuy nhiên, vị này lại bày tỏ nỗi lo trước tình trạng các khoản nợ gốc và lãi vay tăng nhanh. “Với tư cách là người chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công quốc gia, Bộ trưởng có giải pháp cụ thể như thế nào để đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo được nguồn vốn để đầu tư cho phát triển”, ông Ngân đặt vấn đề.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong bối cảnh nợ công đang tăng rất cao, áp lực trả nợ lớn nên cần phải có lộ trình giảm dần bội chi, đảm bảo an toàn nợ công ở mức không quá 65%. “Kiểm soát được bội chi cực kỳ quan trọng để gia tăng kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công, cũng như kiểm soát trần nợ công, trong đó có giải pháp tiếp tục siết chặt bảo lãnh Chính phủ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và minh bạch tài chính công, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ đầu tư công”, Bộ trưởng Dũng cho biết các giải pháp đã và đang thực hiện để kiểm soát nợ công.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội) tranh luận lại rằng “con số chỉ là cái vỏ bên ngoài, linh hồn là hiệu quả”. Theo ông Tuấn, nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì rất xấu, vì chúng gây ra thiệt hại kép. “Nếu đầu tư công không hiệu quả sẽ gây ra áp lực để trả nợ tiền gốc, tiền lãi và phải trả bù lỗ cho các doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả. Do đó, song song với việc kìm hãm phát triển nợ công thì ta phải nói thêm đầu tư công hiệu quả ra sao, vì nếu không hiệu quả sẽ làm cho kinh tế càng xấu hơn”, ông Tuấn tranh luận.

Báo cáo thêm trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: “Chính phủ tán thành ý kiến đại biểu Quốc hội rằng vay không quan trọng mà quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn vay. Chúng ta vay để không thể tụt lại nhưng phải phát triển bền vững đối với ba trụ cột kinh tế- xã hội và môi trường, trong đó có nợ công”, Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng cũng cho biết, một số thành viên của Chính phủ và đại biểu Quốc hội đã khuyến cáo Chính phủ trình Trung ương và Quốc hội nới trần nợ công để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Tuy nhiên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố và quan trọng là khả năng trả nợ. Do đó, Chính phủ nói không với tăng trần nợ công.

Hai bộ kiểm tra một hộp sữa chua: “Hiện nay có tình trạng một mặt hàng thuộc quản lý của nhiều bộ. Ví dụ, sữa chua hay sữa bột phải kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Công Thương. Nghĩa là một sản phẩm như thế khi nhập khẩu phải hai giấy phép” (Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng)

 

Có tâm lý chờ thuế suất về 0% rồi mới mua ô tô

Theo lộ trình cam kết, từ ngày 1/1/2018, có 90% dòng thuế ASEAN về 0% trong đó có ô tô. Đây không phải thất thu mà là giảm thu trực tiếp vào ngân sách. Về thuế nhập khẩu, trên cơ sở thực trạng năm 2017, tỷ lệ xe nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam tăng. Năm 2018, nhập khẩu về Việt Nam tiếp tục tăng. Tuy nhiên, việc người mua có tâm lý trông chờ sau ngày 31/12/2018, khi thuế về 0% để mua ô tô sẽ tác động đến công ăn việc làm, giảm thu ngân sách rất lớn. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính giảm thuế suất, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với toàn bộ linh kiện ô tô. Mục tiêu của giải pháp này là kích thích sản xuất trong nước, qua đó hỗ trợ thị trường ô tô trong nước tăng trưởng, duy trì được sản xuất và sức cạnh tranh, tăng thu thuế nội địa (Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng)

 

Tranh luận về số liệu “đi đêm”

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường: Theo nghiên cứu năm 2015, có 63% hộ kinh doanh “đi đêm” với cán bộ thuế. Tham nhũng thuế cộng với tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế cao đã ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách và làm méo mó hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ, thực trạng này hiện nay còn phổ biến không? Ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Theo kết quả thăm dò từ Tổng cục Thuế và các cơ quan có liên quan, năm 2015 có 63% doanh nghiệp cho biết có “đi đêm” với cán bộ thuế, nhưng đến năm 2016 đã giảm xuống còn 31%. Do đó, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên tuyền, giáo dục cán bộ thuế, đây là biện pháp quan trọng, tiếp đó là thay đổi quy trình nghiệp vụ để không còn tình trạng trên.

ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình): Qua khảo sát của Mặt trận Tổ quốc và Hiệp hội doanh nghiệp thì thấy hai lĩnh vực là hải quan và thuế đã có cải cách rất tiến bộ, vượt ra ngoài đánh giá của các cơ quan chức năng. Việc đánh giá 63% doanh nghiệp “đi đêm” với cán bộ thuế là không đúng, tôi phản đối điều này. Chúng ta nói trước cử tri và nhân dân thì cần phải có chứng cứ, thuyết minh. Chứ nói thế này thì niềm tin của người dân về doanh nghiệp và thuế, hải quan là rất tai hại.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.