Đinh Thị Mỹ Châu (20 tuổi), thủ khoa khối C năm 2015 của Học viện Cảnh sát nhân dân. Em được 27,8 điểm (Ngữ văn 9; Lịch sử 9; Địa lý 9,75) cho 3 môn trong kỳ thi THPT quốc gia.
Chia sẻ về việc học - thi, nữ sinh có gương mặt baby cho biết đã khá lo lắng khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia, đặc biệt sau một năm trượt Học viện Cảnh sát nhân dân. Việc thay đổi hình thức thi, cấu trúc đề, thi tập trung theo cụm trong khoảng thời gian ngắn… khiến thí sinh tự do này phải đổi mới cách ôn tập.
Theo Châu, khối C nặng về kiến thức nên trong quá trình ôn tập không những cần siêng năng mà phải có phương pháp, thời gian biểu phù hợp. Em đã chia việc học thành nhiều giai đoạn với những mục tiêu cụ thể. "Học kỳ một, em tập trung vào việc nắm chắc kiến thức cơ bản, đặc biệt chú ý bám sát sách giáo khoa. Đầu học kỳ hai, song song với việc ôn kiến thức cơ bản, em bắt đầu làm quen với các dạng đề, đề thi cụ thể. Giai đoạn quan trọng nhất là từ cuối học kỳ hai đến trước kỳ thi một tháng, em tập trung bồi dưỡng kiến thức và rèn kỹ năng viết bài", Mỹ Châu chia sẻ.
Với môn Ngữ văn, nữ sinh đã đạt điểm 9 thi THPT quốc gia cho rằng, cần nắm vững lý thuyết, các kiểu câu, phương thức biểu đạt và kỹ năng phân tích để hoàn thành tốt phần đọc hiểu. Phần nghị luận xã hội, việc viết không cần dài dòng mà nên chú trọng viết đúng ý, phân tích đúng trọng tâm và rút ra bài học cho bản thân. Những hiểu biết xã hội thông qua việc xem thời sự, đọc sách báo, xem chương trình Quà tặng cuộc sống… sẽ giúp ích thí sinh rất nhiều khi làm bài.
Trong nghị luận văn học, sau khi đọc kỹ văn bản, cần chú ý phân tích cả nội dung và nghệ thuật. Một lưu ý nhỏ mà theo Mỹ Châu rất cần thiết là chú trọng phần mở bài, kết luận vì đây là những chỗ dễ gây thiện cảm với người chấm, giúp thí sinh đạt điểm tuyệt đối.
Ở môn Địa lý, phương pháp học của thủ khoa khối C Học viện Cảnh sát nhân dân là chia nhỏ ra từng phần và học theo hướng vạch ra các ý để tránh bỏ sót. Em ngoài ra cũng thường luyện vẽ, nhận xét, giải thích biểu đồ theo thời gian biểu mỗi tuần một dạng biểu đồ: miền, biểu đồ tròn, cột và kết hợp.
Lịch sử là môn Mỹ Châu thấy khó và dễ bị mất điểm nhất do có quá nhiều dữ kiện cần nhớ. Việc học môn này, theo em không được máy móc học vẹt mà phải hiểu cốt lõi vấn đề. Nữ thủ khoa đã chia Lịch sử theo giai đoạn như sử Việt Nam 1919-1930; 1930-1945; 1945-1954; 1954-1975; 1975 đến nay. "Cách chia này làm cho việc ôn tập của em trở nên hiệu quả, rõ ràng hơn, tránh được những nhầm lẫn", Mỹ Châu nói.
Nữ thủ khoa khối C tâm sự, tâm trạng lúc vào phòng thi khá hồi hộp nhưng em vẫn cố gắng áp dụng phương pháp làm bài mình định ra từ trước. Việc đầu tiên đó là phải làm hết tất cả câu hỏi bởi chỉ cần bỏ qua một câu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kết quả chung của cả bài. Tiếp đó, em chú ý trình bày phần trả lời thành bài có ý, xuống dòng rõ ràng. Việc phân chia thời gian theo từng gói câu hỏi để tránh thiếu giờ, đọc lại bài trước khi ký nộp, theo Mỹ Châu cũng rất quan trọng.
"Bí kíp xử lý khi thấy lỗi sai trong bài của em là chỉ gạch chéo, không tô, xoá gây mất mỹ quan. Nếu bị thiếu nội dung, không viết chen vào vì nhiều khi chữ nhỏ quá hoặc các dòng chèn vào nhau khó đọc. Tốt nhất làm bổ sung ở bên dưới, ghi rõ chữ bổ sung vào câu số mấy để người chấm dễ nhận ra", Châu chia sẻ.
Cô gái từng muốn bỏ cuộc khi học thi quá mệt mỏi khuyên các sĩ tử khối C nên định hướng cho mình một phương pháp ôn tập rõ ràng, hợp lý để tránh căng thẳng. Việc luôn nghĩ đến mục tiêu như em đã nghĩ về ước mơ khoác áo xanh quân phục, là động lực lớn giúp vượt qua những khó khăn.