Thu hút khách du lịch quốc tế: Cần tháo gỡ điểm nghẽn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng 21/12, chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở trước tình trạng “đi trước, về sau” trong phục hồi du lịch quốc tế. Thủ tướng đề nghị đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế.
Thu hút khách du lịch quốc tế: Cần tháo gỡ điểm nghẽn ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam Ảnh: Nhật Minh

Thời gian miễn thị thực quá ngắn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu sau dịch, Việt Nam mở cửa nền kinh tế, mở cửa du lịch sớm hơn so các nước. Chủ trương này đúng đắn, du lịch nội địa phục hồi mạnh, nhưng việc thu hút khách du lịch quốc tế vẫn có điểm nghẽn. Ông đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân tại sao Việt Nam lại “đi trước, về sau”? Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm?

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch (VH, TT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, Việt Nam mở cửa du lịch trước nhiều nước trong khu vực, đồng thời khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn còn hạn chế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón 2,9 triệu khách quốc tế (giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19). Dự kiến cả năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.

Ông Hùng cho biết, để phục hồi du lịch sau đại dịch, nhiều nước trong khu vực đã thực hiện chính sách việc miễn thị thực cho khách quốc tế, như Malaysia, Singapore miễn thị thực cho 162 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia; Thái Lan miễn thị thực cho 65 quốc gia, trong khi Việt Nam mới đang miễn thị thực cho 24 quốc gia. Thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN kéo dài từ 30 ngày đến 45 ngày, thậm chí là 90 ngày. “Thời hạn miễn thị thực 15 ngày của Việt Nam rất ngắn so với các quốc gia trong ASEAN, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là đối với thị trường châu Âu, thường đi du lịch 3-4 tuần”, ông Hùng nêu.

Đề xuất tăng thời gian lưu trú lên 30 ngày

Để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất thực hiện các chính sách thông thoáng về thị thực, như áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường; kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế từ 15 ngày lên 30 ngày; đồng thời xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế. Ông Hùng cũng đề nghị mở rộng việc thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ có nguồn khách du lịch lớn của Việt Nam. Về dịch vụ, cần tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như, du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng…

“Thời hạn miễn thị thực 15 ngày của Việt Nam rất ngắn so với các quốc gia trong ASEAN, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là đối với thị trường châu Âu, thường đi du lịch 3-4 tuần”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Cơ bản đồng tình với các ý kiến nêu ra tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị liên quan thực hiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới, trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng. Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế, trong đó các vấn đề liên quan visa, thuế…

Nhấn mạnh định hướng “cung cấp những dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có”, Thủ tướng nói rằng, việc phát triển du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam. Các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách. Thủ tướng giao Bộ VH, TT&DL chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc các ý kiến xác đáng; nghiên cứu, sớm hoàn thiện và trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

MỚI - NÓNG