Thu hút độc giả Gen Z: Thách thức của báo chí hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
Logo Z (ảnh minh họa). Ảnh: Newslocker
Logo Z (ảnh minh họa). Ảnh: Newslocker
TP - “Thế hệ trẻ bây giờ không thích đọc báo” - đó là suy nghĩ mặc định của rất nhiều người mỗi khi nhắc tới mối liên hệ giữa giới trẻ và báo chí. Nhưng, thế hệ Z (Gen Z) - chỉ những người sinh từ khoảng giữa những năm 1990 đến 2015 - chiếm khoảng 30 - 40% thị trường toàn cầu, với sức mua lên đến hàng trăm tỷ đôla mỗi năm, nên họ là nhóm đối tượng mà không một ngành kinh doanh nào có thể bỏ qua. Bởi, Gen Z là thế hệ mới nhất. Họ không chỉ là hiện tại, mà còn là tương lai.

Thực tế là, không phải những người trẻ không đọc báo, chỉ là họ có cách “nạp” tin tức khác biệt và đa dạng, tạo nên những thách thức cho mọi cơ quan thông tấn báo chí. Câu hỏi là làm sao để thu hút nhóm đối tượng này? Và không chỉ thu hút, còn phải làm thế nào để giữ được họ lâu dài?

Đừng đánh giá thấp “bộ lọc tin” của Gen Z

Gen Z là thế hệ tiếp xúc với khối lượng lớn thông tin từ rất sớm và họ rất thông minh. Họ không dễ bị dao động bởi những tít báo giật gân hay những quảng cáo trá hình. Thông minh, nên họ cũng đa nghi - họ sẽ luôn đặt câu hỏi về mức độ xác thực của thông tin và có thể đánh giá thương hiệu của tờ báo dựa trên điều đó. Tấn Phát (sinh viên, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) chia sẻ: “Tôi cảm thấy việc tiêu thụ những tin tức giật gân ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc của mình trong ngày. Tôi mong muốn đọc được nhiều hơn những bài viết về sống đẹp, những mẩu chuyện dễ thương, hài hước để thấy rằng cuộc sống này vẫn luôn ưu ái người tử tế”.

Thu hút độc giả Gen Z: Thách thức của báo chí hiện đại ảnh 1

Ngọc Anh (sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM). Ảnh: NVCC

Với Gen Z, khái niệm “trung thành với thương hiệu” chỉ tồn tại một cách lỏng lẻo. Họ sẽ đổi sang tờ báo khác ngay nếu họ không hài lòng về bất kỳ vấn đề gì, từ việc nội dung thông tin sai, đến chất lượng app (ứng dụng) của tờ báo chạy chậm, hay các hình ảnh, video đăng trên trang báo điện tử có chất lượng kém… Do đó, dù Gen Z là thế hệ độc giả thích đọc nhanh, nhưng phần lớn họ không hời hợt - như cách mà nhiều người vẫn hay hiểu nhầm (hoặc đánh giá thấp). Mà đúng hơn, họ buộc các tờ báo phải quan tâm sâu sắc hơn đến nội dung các bài báo, dù ngắn hay dài, để làm sao nội dung phải chính xác và không có lỗi.

Các nền tảng mạng xã hội lớn như YouTube và Facebook dường như đã hiểu rất rõ điều này. Họ thường xuyên đề cao độ xác thực của thông tin, thẳng tay dẹp bỏ tin giả, thông tin sai lệch. Những tài khoản thường xuyên đăng tin giả thậm chí có thể bị khóa. Đây không chỉ đơn giản là cách để họ “làm trong sạch” nền tảng của mình, mà còn là cách để tạo niềm tin ở những người tham gia xem, đọc, đóng góp nội dung trên nền tảng đó. Có lẽ đây là một lý do khiến YouTube có được những thành công nhất định trong việc “biến” những người sử dụng Gen Z thành những người đăng ký dài hạn của mình.

Thu hút độc giả Gen Z: Thách thức của báo chí hiện đại ảnh 2

Sinh viên lớp Báo chí hệ Chất lượng cao thực hành trong giờ học Ảnh báo chí. Ảnh: Ngọc Anh

Cách thể hiện đa dạng là điều tất yếu

Thế nhưng, để giữ chân được độc giả Gen Z - một thế hệ rất đa dạng, năng động và hiểu biết về công nghệ, thì nội dung của báo chí thôi là chưa đủ. Mà rõ ràng, các tờ báo còn phải có cách thể hiện, trình bày phù hợp với hành vi, thói quen của Gen Z nữa.

Khác với những thế hệ trước đó phải học cách dùng các thiết bị điện tử, thì Gen Z sinh ra và lớn lên trong thời đại của Internet, nên công nghệ được “cài sẵn” trong cuộc sống của họ. Họ được cho là nhóm “tinh thông” về công nghệ nhất trong mọi thế hệ, và họ đòi hỏi các tờ báo phải “hòa nhập” được với họ về mặt đó.

Nói cho cùng, khi một người trẻ có thể dành 4.400 phút để dùng điện thoại mỗi tuần, theo trang Journalism UK, thì những tờ báo không có phiên bản “công nghệ cao” - ít nhất là một trang web - thì mới là lạ.

Nhiều người thường lầm tưởng rằng Gen Z không có hứng thú với tin tức “nghiêm túc” - ý nói tới tin tức về các sự kiện quan trọng. Thực tế, theo thống kê năm 2019, mỗi độc giả Gen Z đăng ký tới 14 kênh online, nhưng chủ yếu là những kênh tin tức phát video. “Gen Z thích xem tin tức qua video (57%) hơn là qua bài viết (43%)”, theo YPulse. Sự chênh lệch ở đây không phải là quá nhiều, nhưng điều đó chứng tỏ Gen Z vẫn muốn “nạp” tin tức, thậm chí sẵn sàng trả tiền cho tin tức, nhưng là không chỉ theo những định dạng truyền thống nữa. Mặc dù vậy, theo Học viện Nghiên cứu Báo chí Reuters của ĐH Oxford (Anh), trong những cuộc phỏng vấn của họ, giới trẻ cũng vẫn không muốn các phương tiện truyền thống biến mất, hoặc bị lãng quên, hoặc thay đổi hoàn toàn chỉ để thu hút độc giả. Vì vậy, điều quan trọng là báo chí phải đa dạng hóa các phương thức thể hiện thông tin, với cả nội dung viết (trên giấy và trên mạng), cả video, cả bản tin bằng âm thanh (podcast chẳng hạn)… Về cơ bản, đây chính là việc đa dạng hóa trải nghiệm khách hàng.

Với những tờ báo có nội dung riêng dành cho những độc giả có đăng ký và trả tiền (ví dụ để nhận bản tin, để đọc được những nội dung đặc biệt trên trang báo điện tử, để xem được các video độc quyền…), thì họ vẫn cần cho độc giả Gen Z sự đa dạng bằng cách để độc giả có thể lựa chọn những loại hình thông tin khác nhau mỗi khi đăng ký. Chẳng hạn, có độc giả chỉ thích đọc nội dung bằng chữ chứ không cần xem video thì tờ báo cũng cần có gói đăng ký riêng cho họ, chứ không phải tất cả mọi độc giả đều phải trả tiền đăng ký ở cùng một mức dù nhu cầu khác nhau. Những độc giả trẻ luôn thích được lựa chọn theo ý mình.

Xuân Nhi (du học sinh Israel, hiện ngụ tại TPHCM) chia sẻ quan điểm: “Tôi nghĩ việc trả tiền để đọc báo là một hành động thúc đẩy các nhà báo “lăn xả” để tìm ra được những góc khuất trong xã hội, từ đó đem đến những bài viết chất lượng cho độc giả. Việc này cũng sẽ tạo ra cạnh tranh công bằng giữa các toà soạn báo thay vì thông qua cạnh tranh thông qua cách giật tít”. Bản thân Xuân Nhi đã từng trả tiền cho một tờ báo nước ngoài và rất tâm đắc về những câu chuyện bạn tìm được, như bài viết về cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ và cựu Thủ tướng Israel, David Ben Gurion.

Bất kỳ ngành nghề nào cũng phải thấu hiểu khách hàng thì mới tiếp cận được khách hàng. Báo chí cũng vậy thôi. Những thách thức mà độc giả Gen Z đặt ra cho báo chí không phải là sự thay thế hoàn toàn của cái hiện đại đối với cái truyền thống, mà là sự kết hợp và cân bằng giữa nội dung có trách nhiệm, cách thức thể hiện đa dạng, trải nghiệm khách hàng tích cực và sự kết nối nhân văn giữa con người với con người.

Tăng cường kết nối và tương tác

Còn một yếu tố nữa trong trải nghiệm khách hàng, đó là Gen Z có thể là những con người của công nghệ, nhưng lại rất coi trọng sự kết nối con người. Có lẽ đó là lý do mà mặc dù Gen Z thích xem thông tin bằng hình ảnh, nhưng sự thống trị của ti vi từ lâu đã bị đe dọa bởi những nền tảng online như YouTube, nơi người xem không chỉ có thể lựa chọn chính xác những gì mình muốn xem, mà còn luôn có thể bình luận và tương tác.

Các cơ quan xuất bản xây dựng được các cách kết nối với độc giả trẻ đều cho thấy rằng họ có nhiều độc giả trung thành hoặc độc giả đăng ký hơn. Cho nên, các tờ báo hay kênh truyền hình bây giờ đều có trang Facebook và cả group Facebook để tương tác với độc giả. “Chiến lược” này không chỉ giúp cải thiện trải nghiệm của độc giả và chất lượng nội dung, mà còn giúp cơ quan xuất bản hiểu rõ hơn về độc giả của mình.

Sự kết nối ở đây không chỉ nằm ở việc độc giả có thể bình luận vào dưới các bài báo, mà theo công ty nghiên cứu thị trường Infiniti Research, thì Gen Z nhìn chung thích tham gia vào các cuộc thăm dò ý kiến, thích cho nhận xét về một vấn đề nào đó, hoặc “giao lưu” trên mạng xã hội với tờ báo. Mọi tờ báo muốn thu hút độc giả Gen Z đều cần những sự tương tác này để có được những độc giả trung thành.

Ngọc Anh (sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM) bộc bạch rằng: “Mỗi cơ quan báo chí sẽ có những tiêu chuẩn và khuôn khổ khác nhau. Vì vậy, việc bài viết đi theo hướng truyền thống hay có sự mới mẻ trong nội dung, phong cách viết sẽ tùy thuộc vào cơ quan báo chí mà mình cộng tác. Chỉ cần đó là cái người đọc cần được đọc, tôi nhất định tìm cách thực hiện”.

MỚI - NÓNG
Cụ ông nguy kịch vì hóc xương cá
Cụ ông nguy kịch vì hóc xương cá
TPO - Ngày 8/7, thông tin từ Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa lấy thành công dị vật xương cá phức tạp, nhiều ngạnh, cắm vào thực quản bệnh nhân 60 tuổi.
Giám đốc Công an Hà Nội thông tin kết quả tổng kiểm tra PCCC nhà trọ, chung cư mini
Giám đốc Công an Hà Nội thông tin kết quả tổng kiểm tra PCCC nhà trọ, chung cư mini
TPO - Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thông tin kết quả kiểm tra, rà soát phòng cháy, chữa cháy đối với nhà trọ; chung cư mini; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; trường mầm non, nhóm trẻ; cơ sở phòng khám tư nhân… trên địa bàn TP Hà Nội, sau khi xảy ra nhiều vụ cháy trên địa bàn thành phố.