Thu hút đầu tư nông nghiệp: Đột phá từ công nghệ cao

Sơ chế lan vũ nữ để xuất đi Nhật.
Sơ chế lan vũ nữ để xuất đi Nhật.
TP - Để đạt mức tăng trưởng bình quân vào loại cao nhất nước trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu, đặc biệt xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là khâu đột phá.

Thu hút FDI và cuộc cách mạng công nghệ

Điều ít ai ngờ người ghi tên Việt Nam lên bản đồ sản xuất và xuất khẩu hoa tươi thế giới là một người Hà Lan, ông Thomas Hooft. Sau khi đi khảo sát ở nhiều nước châu Á, năm 1993, ông quyết định thành lập Cty TNHH Agrivina tại Lâm Đồng với diện tích đất sản xuất và chăn nuôi lên đến 300ha. Agrivina đã đầu tư hàng chục triệu USD vào cơ sở hạ tầng, lắp đặt những dàn mái nhà kính tự động đầu tiên ở Đông Nam Á. Mỗi dàn mái có 5 bộ cảm ứng về gió, mưa, độ ẩm, ánh sáng và nhiệt độ được lập trình, điều khiển bằng máy tính, đảm bảo làm mát khi thời tiết quá nóng và hệ thống sưởi nóng cho hoa khi trời giá lạnh để giữ được nhiệt độ trung bình lý tưởng nhất từ 18-22oC.

Các công đoạn sản xuất từ gieo ươm đến trồng cây, chăm sóc, thu hoạch đều được tự động hóa. Việc nhập và sản xuất giống mới được tiến hành thường xuyên tạo nên bộ mặt mới cho thị trường hoa Việt Nam với các chủng loại đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc. Từ đó hoa cắt cành Đà Lạt được xuất khẩu sang nhiều nước, ngay cả thị trường khó tính như Nhật Bản. Hiện Cty Agrivina vẫn là một trong những doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả nhất, tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động.

Sau thành công của Cty Agrivina, hàng chục doanh nghiệp có trình độ kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đã đến Lâm Đồng đầu tư sản xuất NNCNC với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Các doanh nghiệp FDI đã làm nên cuộc cách mạng công nghệ, từ công nghệ nhân giống tiên tiến của Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu, công nghệ nhà lưới, nhà kính hiện đại của Israel, Pháp, Hà Lan đến các quy trình canh tác hiện đại, cơ giới hóa trong sản xuất, các phương pháp phòng trừ dịch hại tiên tiến, sơ chế bảo quản sau thu hoạch (kỹ thuật tạo màng, cấp đông, bảo quản lạnh)... Nhờ vậy, doanh thu mỗi năm đạt tới 2-3 tỷ đồng/ha rau, hoa, chè, gấp cả chục lần so với giá trị sản xuất bình quân của địa phương.

Nông dân cũng mạnh dạn chuyển đổi

Tình hình trên đã thôi thúc cả trăm doanh nghiệp trong nước và hơn 750 nông hộ ở Lâm Đồng mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất NNCNC với vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng. Đặc biệt trên 75% diện tích canh tác rau, hoa được ứng dụng CNC. Một mặt đầu tư vốn lớn để mở rộng diện tích phát triển mô hình trang trại, nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất; mặt khác xây dựng phong cách lao động có kỷ luật, tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ tiêu kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm có chất lượng.

Để giảm chi phí về cây giống và có nguồn giống tốt, nông dân Lâm Đồng đã học hỏi các doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu khoa học đầu tư xây dựng mấy chục cơ sở nhân giống cây trồng bằng công nghệ invitro, thu hút hàng trăm kỹ sư, kỹ thuật viên vào làm việc. Mỗi năm 50 cơ sở nhân giống này cùng các vườn ươm cung cấp gần 2 tỷ cây giống rau, hoa các loại với tỷ lệ cây xuất vườn đạt trên 85%, trong khi cách gieo hạt truyền thống chỉ đạt 45-50%. Để có thể xuất khẩu và tiêu thụ nông sản trong các siêu thị có uy tín, hàng chục ngàn nông dân tham gia sản xuất nông sản có chứng nhận theo tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế như 4C, UTZ, Organic, VietGAP, GlobalGAP… với diện tích lên đến hơn 40 nghìn ha.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn cho biết sản xuất NNCNC cho doanh thu cao gấp 2 - 3 lần giá trị sản xuất bình quân toàn tỉnh (250-300 triệu đồng/ha), sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 450-500 triệu đồng/ha, hoa cao cấp từ 800 triệu -1,2 tỷ đồng/ha/năm. Nhiều công ty áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ đạt hiệu quả cao như Trường Hoàng, Phong Thúy, Langbian farm, Hoa Mặt Trời, Liên doanh Organik, Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, HTX Anh Đào… với doanh thu đạt vài tỷ đồng mỗi hécta.

5 năm qua, nguồn vốn huy động để triển khai Chương trình NNCNC ở Lâm Đồng chủ yếu là của nông dân và doanh nghiệp. Vốn từ ngân sách Nhà nước chỉ có hơn 326 tỷ đồng, chiếm 1,53% so với tổng vốn huy động thực hiện chương trình; vốn tín dụng cũng chỉ có 1.259 tỷ, chiếm 5,92%.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, hiện tỉnh đứng đầu cả nước về NNCNC với hơn 43.000 ha sản xuất theo hướng ứng dụng CNC, chiếm 16,47% đất canh tác. Trong số 16 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT công nhận là doanh nghiệp NNCNC của cả nước có 4 công ty ở Lâm Đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng thừa nhận, mối quan hệ giữa nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và sản xuất còn thiếu chặt chẽ. Kênh cung cấp thông tin về giá cả, nhu cầu thị trường cho người sản xuất chưa được thiết lập chuyên sâu, do đó phần lớn nông dân còn sản xuất tự phát, thiếu kế hoạch, chạy theo thị trường trôi nổi nên cùng một thời điểm nhiều loại sản phẩm bị dư thừa, trong khi một số loại khác thì khan hiếm.

MỚI - NÓNG