Chàng nông dân “điên”
Năm 2010, Võ Văn Tiếng hoàn thành khóa nghĩa vụ quân sự và trở về quê hương Đồng Tháp. Chàng trai trẻ tiếp quản vài héc-ta lúa từ tay cha mẹ, và lựa chọn tưởng như rất đơn giản: tiếp tục cấy trồng trên đó như ngàn đời nay vẫn vậy. Mỗi năm, gia đình Tiếng thu hoạch khỏi 200 tấn lúa – tạo ra một mức thu nhập hoàn toàn ổn định. Nhưng Tiếng phủ nhận thành quả của gia đình: “Lúa của ba không phải lương thực!” - cậu tuyên bố.
Cậu bị mọi người chửi là “điên”. Nhưng Tiếng tư duy rất đơn giản, rằng muốn lúa phát triển nhanh, thì mỗi năm gia đình phải sử dụng tới 20 tấn phân, 1 tấn thuốc trừ sâu, và câu hỏi mọi người: “Vậy đó là thực phẩm an toàn hay là thành phẩm của thuốc hóa học?”.
Tiếng muốn đầu tư cho một cách làm nông nghiệp mới, nông nghiệp hữu cơ. Chỉ có người mẹ thương con, “dúi” cho 2 héc-ta của bà để Tiếng theo đuổi ước mơ, còn ba Tiếng thì vẫn cương quyết không trao cho “người thừa kế nổi loạn” phần đất của mình. Với 2 héc-ta ấy, Tiếng bắt đầu mầy mò phương thức mới học qua sách vở, vật lộn với cánh đồng. Cậu giảm phân bón xuống mức tối đa, hướng tới bỏ cả bón phân, và không phun thuốc.
Năng suất lúa của Tiếng chỉ bằng 60% các thửa ruộng bên cạnh. Giá bán đắt hơn 18%. Tiếng vật vã trong bài toán tìm đầu ra. Bốn tấn gạo thu được vụ đầu, Tiếng chỉ bỏ được mối bạn bè, những người tin tưởng phương thức của cậu – và tiêu thụ chật vật chủ yếu qua truyền miệng, chỉ hòa vốn, chứ tiền mượn để cải tạo đất vẫn chưa thể thu hồi.
Gặp Tiếng trong những ngày khấp khởi thu hoạch vụ lúa thứ 2 trên cánh đồng của mình, hỏi tại sao cậu lại quyết định đi con đường này, chàng nông dân vẫn cương quyết tin rằng rồi cách làm của mình sẽ thuyết phục được những người xung quanh – và giá trị của một nền “nông nghiệp sạch” sẽ được nhân rộng. “Thuốc hóa học bây giờ họ dùng quá trời anh, làm cho hạt gạo không còn an toàn nữa” - cậu kể - “Em thấy bây giờ nhiều bệnh tật đến từ thực phẩm quá, mà người Việt mình tới 6-70% khẩu phần là gạo, em muốn nhiều người trồng gạo an toàn hơn”. Cậu đặt tên gạo của mình là “Tâm Việt” kèm slogan “Tâm của người Việt”.
Ông Nguyễn Duy Hưng trong lễ ra mắt thương hiệu PAN Group.
Ai sẽ làm nông nghiệp mới?
Thương hiệu trong nông sản phụ thuộc rất lớn vào quy mô sản xuất. Mùa sau nữa, Tiếng đã thuyết phục được ba giao thêm cho mình 9 héc-ta. Nhưng sản lượng của cậu vẫn sẽ chỉ có thể tiêu thụ qua kênh “truyền khẩu” - bởi một hệ thống siêu thị sẽ cần ít nhất 200 tấn gạo mỗi tháng, điều mà Tiếng không thể cung cấp. Và sự “thành công” mà chàng nông dân “điên” đang hướng tới là vô cùng mong manh – đặc biệt là một dạng thành công có thể khiến nhiều người khác từ bỏ phương thức truyền thống để đi theo cậu.
“Một mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp sẽ cần rất nhiều chi phí nghiên cứu thị trường và tư vấn thương hiệu” - ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch PAN Group bàn về những trường hợp như của Tiếng. Bản thân ông Hưng, khi khởi động dự án gạo sạch Ban Mai, cũng đã tốn hàng chục tỷ đồng cho các công ty nghiên cứu thị trường để rút ra một kết luận là... ông không thể xâm nhập thị trường gạo theo phương thức truyền thống. Thị trường gạo truyền thống được chi phối bởi các tiểu thương, và những sản phẩm mới buộc phải đi theo hình thức gạo túi phân phối trong các siêu thị. Nhưng đó là điều Tiếng không thể với tới.
Cuộc chơi sẽ phụ thuộc vào các nhà đầu tư lớn như ông Hưng, người có thể xây dựng chuỗi giá trị và cả hệ thống phân phối? Đó là điều rất khó kết luận, bởi nếu kết luận như thế, là một sự phũ phàng cho Tiếng. Nhưng có một thực tế mà chàng thanh niên “điên” Võ Văn Tiếng chỉ ra, rằng nông nghiệp Việt Nam đang cần lan tỏa những giá trị mới.
“Sự đáng tin cậy” - một trong các yếu tố mà cố vấn an ninh lương thực của Nhà trắng Rick Gilmore nêu ra để biến Việt Nam trở thành một “thế lực” trong thị trường nông sản toàn cầu, sẽ là điều không thể nếu đi theo quán tính hiện tại. Các nghiên cứu trong nước chỉ ra rằng phần lớn nông dân vẫn đang phun thuốc theo thói quen, phun quá mức quy định, và ngay cả thị trường trong nước giờ cũng không còn tin tưởng nông sản Việt.
“Nếu thành công thì người ta sẽ bắt chước nhanh lắm” - chủ tịch PAN Group có cùng suy nghĩ với anh nông dân Võ Văn Tiếng. Tuy nhiên, khác với thời đại của bất động sản, cơn sốt “bắt chước” chưa được tạo ra.
“Chỉ có một tín hiệu mừng là sau nhiều năm lạc đường trong cơn sốt bất động sản, bây giờ nhiều người đã quay trở về với nông nghiệp” - ông Hưng tâm sự - “Trong đó có những nhà đầu tư, người làm quảng cáo, nhiều nhân tài ở các lĩnh vực. Có thể có nhiều người trong số họ có động cơ khác nhau, ví dụ có người làm nông nghiệp để đánh bóng tên tuổi. Nhưng tôi nghĩ chỉ cần 1/10 số người làm nông nghiệp bây giờ thành công, là giá trị sẽ được lan rộng”.
“Lúa của ba không phải là lương thực” - tuyên bố cực đoan của Võ Văn Tiếng có thể coi là một ẩn dụ cho thị trường nông sản Việt Nam. Những giá trị cũ sẽ không thể “chơi” được trong cuộc chơi hội nhập, những hạt gạo, hạt cà phê và cây bắp cải không thương hiệu, phủ đầy thuốc sẽ không phải là thứ đẩy Việt Nam vào kỷ nguyên của thị trường toàn cầu. Đó là chưa kể, ý thức của nhà sản xuất sẽ còn phải đi kèm với ý thức của chính người tiêu dùng của thị trường trong nước.
Trong suy nghĩ của PAN Group và nhiều nhà đầu tư, cũng như của Võ Văn Tiếng, bài toán nông nghiệp sau nhiều thập kỷ “đi lạc đường” không phải là bế tắc. Và có lẽ những người ngoài cuộc cũng chỉ còn biết mong rằng những người cầm cờ ấy, dù có “điên”, đang đi đúng đường cho người ta “bắt chước”.