Thu hút đầu tư cho các trường ngoài công lập

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đó là đề nghị của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ra khi cùng đoàn giám sát làm việc với TPHCM liên quan đến thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT), ngày 27/3.

Thiếu giáo viên, cơ sở vật chất

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, trong 3 năm thực hiện chương trình GDPT 2018, việc đổi mới chương trình, SGK GDPT được triển khai thực hiện đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Thu hút đầu tư cho các trường ngoài công lập ảnh 1

TPHCM cần đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển tốt hơn lĩnh vực giáo dục Ảnh: NGÔ TÙNG

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn gặp một số vướng mắc như tình trạng thiếu giáo viên tại một số bộ môn mới, giáo viên còn lúng túng khi triển khai chương trình mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học một số trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế khi triển khai chương trình. Thiết bị dạy học cho các lớp mới triển khai hằng năm chưa được cung cấp kịp thời. Do hạn chế về quỹ đất, tiến độ xây mới và mở rộng trường thực tế chưa đáp án yêu cầu về diện tích sân chơi...

Trao đổi thêm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết mảng y tế, giáo dục của thành phố vẫn còn đối mặt rất nhiều khó khăn. Dân số thành phố theo hệ thống quản lý là khoảng 10 triệu người, nhưng thực tế đã trên 13 triệu người. Cùng với đó, số lượng người dân các vùng miền đến thành phố rất nhiều, cho nên các vấn đề quy hoạch, tính toán đều mang tính tương đối.

Để TPHCM tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị thành phố cần tiếp tục quan tâm việc đào tạo, tuyển dụng để sớm khắc phục tình trạng thiếu hụt giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập; đẩy mạnh bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học tích hợp; đồng thời có kế hoạch hỗ trợ phù hợp cho lực lượng giáo viên dạy 2 buổi/ ngày.

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, nếu xét tiêu chuẩn ngành giáo dục, hiện thành phố thiếu khoảng 5.000 phòng học. Xét chỉ tiêu 300 phòng học/ một vạn dân theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XI thì thành phố thiếu khoảng 8.000 phòng học. Với chi phí xây dựng khoảng 1,6 tỷ đồng/ phòng học, khoản tiền thực hiện mục tiêu này là rất lớn. Do đó, TPHCM sẽ sớm làm việc với các sở ngành liên quan để đánh giá, tính toán nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất của khối văn hóa xã hội, đáp ứng mục tiêu trong thời gian tới.

UBND TPHCM đề xuất với Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng cơ chế chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ ngày; cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên) và ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi thứ 2 đối với học sinh học chương trình GDPT 2018.

TPHCM cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các bộ liên quan có văn bản hướng dẫn về việc ngân sách đảm bảo kinh phí, bổ sung kinh phí cho công tác tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới; có cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo thành phố.

Lãnh đạo TPHCM cũng kiến nghị Trung ương có thêm các chính sách ưu đãi, cụ thể là đất đai và thủ tục hành chính để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, phát triển mạng lưới trường học được trang bị cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện chương trình mới.

Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho các trường

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị TPHCM tới đây phải thống kê, đánh giá bức tranh toàn diện về thực trạng giáo viên, học sinh, thiết bị giáo dục, SGK và nguồn lực thực hiện cả về ngân sách và xã hội hóa. “TPHCM không thiếu tiền, chỉ thiếu cơ chế. Quốc hội, Chính phủ sẽ có điều tiết lại để thành phố đầu tư. Thành phố cần linh hoạt, chủ động trong công tác chuẩn bị các điều kiện cho giáo viên và học sinh trong dạy và học”, ông Mẫn nói.

Lãnh đạo Quốc hội yêu cầu TPHCM rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn để xem xét điều chỉnh đáp ứng nhu cầu người học theo tinh thần Đại hội Đảng bộ lần thứ XI của thành phố, trong đó chú trọng kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Giáo dục của thành phố phải so sánh với các thành phố trong khu vực để phấn đấu vươn lên, nâng cao trình độ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao công tác cải cách hành chính, quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục; đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại và minh bạch.

“Tới đây, đề nghị UBND TPHCM có cơ chế xã hội hóa, thu hút nhiều nhà đầu tư đầu tư các trường ngoài công lập, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các trường phát triển tốt”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói thêm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.