Thu hồi hơn 2 tấn chất cấm Salbutamol

Cán bộ thú y lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra tại cơ sở bán thức ăn chăn nuôi heo. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Cán bộ thú y lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra tại cơ sở bán thức ăn chăn nuôi heo. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, qua xác minh từ các công ty nhập khẩu Sabutamol (chất tăng trọng, cấm trong chăn nuôi), cơ quan chức năng đã thu hồi và lưu giữ tại kho hơn 2 tấn Salbutamol.

Theo ông Việt, cơ quan chức năng và Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã thanh tra, kiểm tra 6 công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu Salbutamol, phát hiện 3 công ty có hành vi bán Salbutamol sai đối tượng. Hồ sơ của 3 công ty vi phạm (Cty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông, Cty TNHH hóa dược Minh Anh, Cty dược Minh Hải) đã được chuyển đến Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) điều tra, xử lý.

Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, qua xác minh của C49, hiện chưa phát hiện hoạt động sản xuất Salbutamol ở trong nước và chưa phát hiện, bắt giữ việc nhập lậu Salbutamol. Đối với số lượng Salbutamol nguyên liệu của 11 công ty nhập khẩu để kinh doanh, sản xuất thuốc, cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra và xác minh rõ nguồn gốc, đồng thời có biện pháp quản lý chặt việc cung cấp, kinh doanh, sản xuất trên thị trường. Đặc biệt, cơ quan chức năng đã thu hồi và lưu giữ tại kho trên 2 tấn Salbutamol. Hiện Bộ Y tế và C49 “siết” chặt nguồn nhập khẩu và cung cấp Salbutamol, nên việc đưa sang chăn nuôi sử dụng sai mục đích gần như bị “khóa”.

Theo ông Việt, nếu các địa phương phát hiện lợn có Salbutamol tại các cơ sở giết mổ sẽ tiêu hủy; còn ở trang trại, theo quy định khi tái phạm mới tiêu hủy. “Lâu nay, với các đối tượng vi phạm về chất cấm, chỉ phạt tiền (7,5 triệu đồng với hộ chăn nuôi nhỏ, 5 triệu đồng với trang trại) và giữ heo hai tuần để thải hết chất cấm rồi cho tái xuất chuồng. Cơ quan chức năng sẽ áp dụng biện pháp tiêu hủy cả đàn heo nếu phát hiện vi phạm”, ông Việt nói.

Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết thêm, theo quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016), các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước. Các đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tù từ 5 năm, nặng 20 năm, phạt tiền tới 1 tỷ đồng. “Người vi phạm sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm sản xuất, cấm kinh doanh. Người chăn nuôi ngoài trắng tay đàn lợn bị tiêu hủy, còn bị phạt tù theo tình tiết tăng nặng, có thể phạt tù tới 20 năm”.

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, từ sau Tết đến nay, ở các tỉnh phía Bắc, qua kiểm tra chưa phát hiện được trang trại, lò mổ sử dụng chất cấm. Tuy nhiên, đối với các tỉnh phía Nam, vẫn phát hiện heo có tồn dư chất cấm nhưng với tỷ lệ thấp hơn so với thời gian trước; trong đó, tập trung ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Long An. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất qua điều tra, trinh sát; xác định các đối tượng, địa bàn trọng tâm, trọng điểm để “đánh” có hiệu quả”, ông Việt nói.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.