Ngày 12/9, trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật - cho biết, theo quy định tại các nghị định thư mà Việt Nam ký với các nước, khi phát hiện trường hợp cơ sở đóng gói và vùng trồng có vi phạm, Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ Thực vật, từ đầu năm đến nay, các nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam đã phát hiện và cảnh báo 370 lô hàng (chuối, xoài, thanh long, mít, sầu riêng...) ở 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam có vi phạm về kiểm dịch thực vật.
Trong đó, chủ yếu là thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về nhiều lô hàng sầu riêng, thanh long, chuối…xuất khẩu bị phát hiện có vi sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch của Trung Quốc.
Trước tình hình này, Cục đã chỉ đạo các địa phương thông báo và áp dụng biện pháp kiểm dịch thực vật để các doanh nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tạm ngừng xuất khẩu và rà soát xác định rõ nguyên nhân những trường hợp không tuân thủ điều kiện về kiểm dịch thực vật và đề xuất giải pháp khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo điều khoản đã ký.
“Việc tạm dừng khai thác những mã số này để các doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục nhằm giảm thiểu nguy cơ nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tạm ngưng không thời hạn hoặc dừng nhập khẩu, ảnh hưởng trực tiếp tới thương mại hai bên. Các biện pháp này là cần thiết, đúng thông lệ quốc tế”, bà Hương nói.
Đến thời điểm hiện tại hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. |
Đề cập đến việc nhiều lô hàng nông sản ngày 9/9 được đưa ra tới cảng nhưng doanh nghiệp mới nhận được thông báo, lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật cho biết việc ban hành công văn rà soát các vi phạm để thực hiện tạm dừng hoặc thu hồi mã số những cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng bị cảnh báo được Cục gửi thường xuyên, liên tục.
Bà Hương cho biết văn bản gửi 11 Sở NN&PTNT và các chi cục được ký vào ngày 5/9 và đề nghị các đơn vị sớm thông báo tới các doanh nghiệp. Song lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật cũng thừa nhận, trong quá trình thông tin đến doanh nghiệp có những trục trặc, chưa kịp thời.
“Sau khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp, Cục đã giải thích và vào cuộc xử lý ngay lập tức. Nếu lô hàng của những đơn vị bị đề nghị tạm dừng nhưng chưa nhận được thông báo từ địa phương mà đã đưa ra tới cảng hoặc đã xuất xưởng đều được thông quan. Đến nay tất cả lô hàng trong ngày 9/9 đều được thông quan hết trong ngày hôm đó”, bà Hương nói.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật cho biết sẽ rút kinh nghiệm trong việc gửi thông tin về xử lý vi phạm, tránh ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Nói về việc tại sao với những doanh nghiệp vi phạm lần đầu, Cục không đưa cảnh báo trước để doanh nghiệp có thời gian rà soát lại mà đề nghị dừng xuất khẩu, bà Hương cho hay: “Trước đây Cục cũng thực hiện theo quy trình này. Nhưng nếu để các doanh nghiệp vi phạm lần 2,3 và bị Trung Quốc phát hiện, nguy cơ bị Trung Quốc thu hồi mã số sẽ cao hơn. Do đó, việc đề nghị doanh nghiệp tạm dừng là để các doanh nghiệp chủ động rà soát, tránh ảnh hưởng đến toàn bộ ngành hàng. Trong trường hợp các doanh nghiệp sớm khắc phục và có báo cáo về cơ quan chức năng sẽ được khôi phục lại mã xuất khẩu”.
Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật, sau khi Tiền Phong phản ánh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có cuộc trao đổi với Cục Bảo vệ Thực vật.
"Họ đánh giá cao việc Việt Nam tích cực, chủ động các biện pháp nghiệp vụ vào cuộc rà soát các vi phạm, tuân thủ các quy định Nghị định thư giữa hai nước. Tại thời điểm hiện tại, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng khẳng định không có bất kỳ thông báo hoặc động thái nào về việc tạm dừng hay dừng hẳn việc nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam. Tất cả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không", lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật cho hay.