Thông tin mới vụ đề xuất hạ giá mua điện các dự án năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo thông tin của Tiền Phong, Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã có Văn bản xin thu hồi 3 văn bản đề xuất liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo mà công ty này đã gửi trước đó, bao gồm Văn bản số 10418, 10421, 10461.

Trong đề xuất tại Văn bản số 10461, Công ty Mua bán điện muốn áp dụng mức giá mới như trong Quyết định 21 của Bộ Công Thương đối với 15 nhà máy điện gió và mặt trời có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu sau ngày COD (ngày vận hành thương mại) và trong thời hạn giá FIT (giá mua bán điện cố định ưu đãi).

15 dự án năng lượng tái tạo của các doanh nghiệp bị đề xuất giảm giá mua điện bao gồm: Dự án điện mặt trời Phong Điền, BP Hacom, Krongpa, Mỹ Sơn, Hoàn Lộc Việt, Ninh Phước 6.1 và 6.2, Nhị Hà, Phước Ninh, Quang Minh, Nhơn Hải, Seaprok 1, Đức Huệ 1, Hàm Phú 2, Thuận Nam Đức Long và Gelex Ninh Thuận.

Theo đề xuất này, Công ty Mua bán điện cho biết đã rà soát 15 nhà máy điện/phần nhà máy điện mặt trời đang được thanh toán theo giá FIT1 (giá điện được thực hiện theo Quyết định 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ với mức giá 9,35 cent/kWh, tương ứng hơn 2.300 đồng/kWh). Đây là 15 dự án đã có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu sau ngày vận hành thương mại đến ngày 30/6/2019 (thời điểm hết hạn giá FIT1).

Thông tin mới vụ đề xuất hạ giá mua điện các dự án năng lượng tái tạo ảnh 1

Công ty Mua bán điện thuộc EVN cho biết đã có văn bản rút đề xuất hạ giá mua điện của 15 dự án điện gió, điện mặt trời đã trình trước đó.

Trong số này, có 2 nhà máy điện/phần nhà máy mặt trời đang được thanh toán theo giá FIT2 (giá điện theo Quyết định số 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ với giá 7,09 cent/kWh, hơn 1.700 đồng/kWh) có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trong giai đoạn từ sau ngày COD đến ngày 31/12/2020 (thời điểm hết hạn giá FIT2).

Công ty Mua bán điện cũng cho biết, hiện có 11 nhà máy điện/một phần nhà máy điện gió đang được thanh toán theo giá FIT (quy định tại Quyết định số 37 và Quyết định số 39) có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trong giai đoạn từ ngày COD đến ngày 31/10/2021.

Văn bản của Công ty Mua bán điện cũng nêu rõ việc muốn EVN thông qua phương án tạm thanh toán cho các nhà máy điện này với giá bằng giá trần của khung giá phát điện theo Quyết định 21 của Bộ Công thương kể từ kỳ thanh toán gần nhất, tức là giá mua bán điện đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió này sẽ được hạ xuống thấp hơn so với mức giá mà EVN đang mua của các nhà máy. Nếu áp dụng theo Quyết định 21, giá mua điện của các dự án điện gió, điện mặt trời nổi sẽ hạ xuống rất nhiều so với mức giá ưu đãi (giá FIT) được Chính phủ quy định trước đó.

Theo Quyết định 21 năm 2023, các dự án điện mặt trời mặt đất sẽ có khung giá bán điện cao nhất đối với điện mặt trời mặt đất là hơn 1.184 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là hơn 1.508 đồng/kWh, điện gió đất liền là hơn 1.587 đồng/kWh, điện gió trên biển là hơn 1.815 đồng/kWh.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một số doanh nghiệp năng lượng tái tạo cho biết, nếu đề xuất được EVN thông qua trước mắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới 15 doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời và sau đó là hàng trăm doanh nghiệp thuộc cộng đồng làm điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam hiện hiện nay.

Về việc các dự án năng lượng tái tạo đang vận hành nếu bị áp dụng mức giá điện mới theo quy định của Quyết định 21 như đề xuất của Công ty Mua bán điện, đại diện một số dự án năng lượng tái tạo cho biết, sẽ chịu tác động rất lớn từ quyết định này.

Việc điều chỉnh giảm giá mua điện theo đề xuất của Công ty Mua bán điện sẽ khiến doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn và lập tức ảnh hưởng đến dòng tiền, kế hoạch trả lãi vay, vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sẽ đối mặt tình cảnh khó khăn vô cùng chưa kể những tác động của việc điều chỉnh giá mua điện sẽ dẫn đến mất lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Một số doanh nghiệp điện mặt trời cũng cho biết trong 2 tháng qua gặp tình trạng EVN chậm thanh toán sản lượng phát điện của các nhà máy.

MỚI - NÓNG